10 năm thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), Tổng LĐLĐVN đã luôn nhấn mạnh vấn đề thực hiện bình đẳng giới, lồng ghép giới trong các nội dung hoạt động.
Tổng LĐLĐVN luôn nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ - Ảnh: K.ANH
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, thành viên Ủy ban quốc gia VSTBPN, tổ chức CĐ đã cụ thể hóa các hoạt động trong lĩnh vực với mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ CNVC-LĐ.
BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG VIỆC LÀM, THU NHẬP
Trong toàn hệ thống CĐ đã có 80% số LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành T.Ư thành lập ban VSTBPN do chủ tịch hoặc phó chủ tịch làm trưởng ban. Đây chính là cơ sở để các hoạt động VSTBPN được triển khai rộng khắp, có hiệu quả. Điển hình là các hoạt động góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nữ CNVC-LĐ. Quỹ “Vì nữ CNLĐ nghèo” tổng số vốn huy động được hơn 293 tỉ đồng, cho 1.093.530 lượt LĐ nữ vay, hỗ trợ cho 79.546 gia đình nữ CNLĐ nghèo với tổng số tiền hơn 9,2 tỉ đồng.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo các cấp CĐ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, giáo dục pháp luật cho CNVC-LĐ và xác định đây là vấn đề quan trọng để thực hiện bình đẳng giới trong việc làm, đảm bảo thu nhập, cơ hội học tập đào tạo. Các cấp CĐ không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp. Thời gian qua đã có trên 500 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác trong nữ CNVC-LĐ ở các cương vị, công việc khác nhau.
Bên cạnh đó, bằng nhiều hình thức và đổi mới nội dung sinh hoạt câu lạc bộ như hái hoa dân chủ, nói chuyện chuyên đề, tổ chức hội thi... thu hút hơn 30.000 chị tham gia 4.500 câu lạc bộ, đồng thời động viên khuyến khích kịp thời, tạo động lực cho LĐ nữ phấn đấu tự rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo mới, đào tạo lại. Nhiều nơi CĐ đã tham gia, đề xuất với chính quyền đồng cấp tạo điều kiện về thời gian học tập cho nữ CNVC-LĐ và hỗ trợ từ 50-100% kinh phí. Công tác giáo dục pháp luật cho nữ CNVC-LĐ cũng là một hoạt động được thực hiện thường xuyên. Đến nay đã có hơn 1,9 triệu lượt nữ CNVCLĐ được phổ biến chế độ chính sách pháp luật mới liên quan đến LĐ nữ và trẻ em.
PHẤN ĐẤU 50% NỮ CNVCLĐ ĐƯỢC ĐÀO TẠO NÂNG CAO
Hằng năm, Tổng LĐLĐVN tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, kỹ năng hoạt động VSTBPN cho khoảng 500 cán bộ công đoàn, trong đó 50% số cán bộ là nam giới và tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nữ công cho cán bộ nữ công các cấp. Ngoài ra còn biên soạn và phát hành 10.000 tờ gấp về những nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới tới CNVC-LĐ cả nước.
Giai đoạn tới, công tác bình đẳng giới và VSTBPN của tổ chức CĐ đặt mục tiêu phấn đấu hàng năm 50% số nữ/tổng số CNVC-LĐ được tuyển dụng mới; 50% nữ CNVC-LĐ được đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học; 100% nữ cán bộ công đoàn các cấp được bồi dưỡng kiến thức về giới và hoạt động nữ công.
Theo phó giáo sư – tiến sĩ Lê Vân Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ, đối với mục tiêu về cải thiện về nâng cao sức khỏe cho nữ CNVC-LĐ cần khẳng định 100% nữ CNVC-LĐ được khám sức khỏe, 100% nữ CNVC-LĐ được khám thai đủ 5 lần. Sở dĩ như vậy vì cần có cơ sở cụ thể để phối hợp kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng hiện nay một số nơi chủ sử dụng LĐ thực hiện khám sức khỏe với một vài chỉ số đơn giản nhất nhằm giảm bớt chi phí. Ông Trần Tiến Hòa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN cho rằng nên có riêng nội dung về chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nữ CNLĐ tại các KCN, KCX...
LINH NGUYÊN (LĐ)