Gần năm tháng nay, hơn 300 hộ dân ở các buôn Thung, Bình Giang, Tổng Chách (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó công trình cấp nước sinh hoạt tiền tỉ do huyện Sông Hinh làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động từ năm 2008 đã ngừng hoạt động. Hai giếng đào nằm ngay bên lòng hồ thủy điện trơ đáy, bỏ hoang.
Người dân phải đi hàng km lấy từng lít nước từ con suối Tắc Kè - Ảnh: P.NAM |
Đưa vào sử dụng cuối năm 2008, công trình cấp nước sinh hoạt buôn Thung, xã Đức Bình Đông được thiết kế cung cấp nước thường xuyên cho hơn 300 hộ dân, kinh phí đầu tư 1,4 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Hệ thống bơm, đường ống dẫn nước thường xuyên bị sự cố, chất lượng nước không đảm bảo…Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại giếng đào nằm cách mép nước hồ thủy điện khoảng 200m, giếng sâu chừng 5m, khô rang. Ông Ma Danh, ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông than phiền, “Mấy tháng rồi cái đồng hồ báo nước không còn chạy nữa, gia đình tôi phải cải tạo lại giếng cũ để sử dụng, do bỏ lâu nên chất lượng nước không được tốt, nhưng cũng phải dùng, biết làm sao được”. Tương tự, nhiều hộ dân ở thôn Bình Giang cũng phải tảo lại giếng, mua máy bơm về sử dụng, ai không có điều kiện thì phải dùng nước từ lòng hồ thủy điện. “Sau khi công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động chừng 3 tháng, thấy không hiệu quả vì nước lúc có lúc không, tôi phải mua máy bơm bơm nước giếng để chủ động”, anh Ngô Ngọc Ẩn, ở thôn Bình Giang cho biết.
Buôn Thung có khoảng 100 hộ dân, toàn bộ dùng chung 10 giếng đào. Nắng hạn, các giếng gần như khô kiệt, người dân sử dụng nước hồ thủy điện để tắm giặt, còn nước uống phải đi hơn 1km đến con suối Tắc Kè lấy nước về dùng. Ông Ma Linh, ở buôn Thung thất vọng nói: “Bà con rất phấn khởi khi có nhà máy nước sạch cung cấp nước tận nhà, không phải đi hàng cây số lấy nước về dùng như trước kia. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy, thậm chí còn nghiệt ngã hơn vì tất cả các giếng đào đều cạn nước, nhiễm bẩn do bỏ hoang lâu ngày, có cải tạo lại cũng không được như ban đầu. Sợ nhất là mấy đứa trẻ, ngày nào cũng phải ra hồ tắm, rất nguy hiểm”.
Công trình nước sinh hoạt buôn Thung do huyện Sông Hinh làm chủ đầu tư. Sau khi khánh thành được bàn giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Bình Đông quản lý, vận hành khai thác, thu phí với giá 2.500 đồng/m3, nhưng chỉ có khoảng 30% số hộ nộp tiền. Ông Nguyễn Đình Cường, Phó chủ nhiệm HTX cho biết, do máy biến tầng bị hỏng, phải dùng bơm cơ thay thế nên không kiểm soát được áp lực nước dẫn đến thường xuyên bị vỡ đường ống, mất nước thời gian dài. Chính vì vậy nhiều người không trả tiền sử dụng nước. Từ khi nhận quản lý vận hành đến nay, bình quân hàng năm HTX phải “gánh” một khoản nợ trên dưới 600.000 đồng, số tiền này không phải là nhỏ so với một HTX miền núi khó khăn. Để bù lỗ, HTX đang đề nghị tăng giá nước lên 3.500 đồng/m3 và xin kinh phí sửa chữa hệ thống máy bơm, chống sét, đường ống, kinh phí khoảng 30 triệu đồng, đồng thời xin nâng cấp thêm một giếng đào để chủ động bơm nước trong mùa khô hạn. Theo người dân, do nắng hạn mực nước hồ thủy điện rút quá xa giếng đào, có thời điểm mép nước lòng hồ cách xa giếng hơn 300m, trong khi đó giếng lại được thiết kế ở vị trí cao, không đủ độ sâu so với mặt bằng lòng hồ nên thường xuyên bị đứt nước. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông Nguyễn Hữu Hóa cho biết, tình trạng này diễn ra thường xuyên, để có nước sử dụng, trước mắt địa phương vận động các hộ gia đình chủ động nạo vét các giếng cũ, đồng thời kiến nghị các cấp, các ngành sớm khắc phục lại công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con.
Hiện nay, nhiều công trình nước ở huyện Sông Hinh hoạt động không hiệu quả, trong đó có các giếng nước ở thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây đã gần như cạn kiệt; công trình nước sạch xã Ea Lâm, nguồn nước bị nhiễm phèn, không đủ nước cung cấp cho nhân dân. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, đã đề xuất với địa phương có kế hoạch đầu tư khắc phục bổ sung nguồn nước lấy trực tiếp từ hạ lưu thủy điện sông Ba Hạ. Riêng công trình nước xã Ea Lâm, đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường lập báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án sửa chữa nâng cấp, trong đó đề xuất giải pháp sử dụng thêm nguồn nước thủy điện sông Ba Hạ và cùng với tư vấn thiết kế kiểm tra, khảo sát, tính toán để xin ý kiến làm vệ sinh mặt hồ, lòng hồ. Bên cạnh đó, nếu được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phê duyệt hồ sơ dự toán thiết kế thi công phát triển mạng và thi công bổ sung cho mỗi nhà dân 1 trụ vòi – sân bê tông, 1 bể xây chứa nước dung tích khoảng 600 lít và 1 đồng hồ sử dụng nước thì sẽ triển khai thi công ngay sau khi dự toán được phê duyệt.
PHƯƠNG