Người dân xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đang thắc thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến gần. Địa phương này thường bị nước lớn chia cắt, trở thành “ốc đảo” cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Tràn sông Cô thường bị ngập trong mùa mưa bão gây ách tắc giao thông. - Ảnh: H.TRUNG
Xuân Sơn Bắc là vùng trũng nằm dọc hạ lưu sông Kỳ Lộ. Mỗi khi có mưa bão, nước sông dâng cao nhiều khu vực dân cư của xã bị đe dọa. Đó là xóm Soi, xóm Chợ, xóm Vườn thuộc các thôn Tân Bình, Tân Phước, Tân Thọ với khoảng 247 người có nguy cơ bị mất nhà, ruộng vườn do lở đất, nước ngập sâu… Những khu dân cư này hình thành từ lâu, người dân đã quen với lụt, nhưng không thể ngờ được sự hung dữ của nó trong những năm gần đây. Chính vì vậy mà trong cơn lụt lịch sử hồi cuối năm 2009, nhiều hộ gia đình ở đây đã suýt mất mạng vì nước dâng nhanh không kịp trở tay.
Vào mùa mưa tràn sông Cô bị ngập sâu trong nước nhiều ngày nên những học sinh THPT của xã chỉ còn biết liều mình lên xuồng vượt dòng nước dữ để lên thị trấn La Hai học mỗi ngày. Học sinh THCS ở các thôn Tân Thọ, Tân Phước muốn đến trường ở Tân Bình cũng vất vả không kém khi phải băng qua một đoạn đường dài ngập nước. Nhiều người dân ở Xuân Sơn Bắc cho biết chỉ cần một cơn mưa lớn, nước từ đầu nguồn suối Hà Dom tràn về là một số học sinh đành bỏ học vì không có người đưa đón.
Mặc dù là nơi thường xuyên bị ngập lụt nhưng không phải nhà nào cũng có sõng để đi lại trong mùa nước nổi. Sau cơn lụt lớn cuối năm 2009, ý thức về phòng chống lụt bão của người dân xã Xuân Sơn Bắc được nâng lên rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều hộ chủ quan, coi thường mưa bão. Bằng chứng là một số người vẫn cho rằng phải vài chục năm mới có lụt lớn như năm rồi nên khi được ban nhân dân thôn vận động kiểm tra, sửa chữa sõng, trang bị dụng cụ cứu sinh, nhưng vẫn không chịu thực hiện.
Ông Đặng Ngọc Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với thiên tai khắc nghiệt, nhưng năm nay chính quyền địa phương quyết tâm không bị động trong phòng chống lụt bão. Rút kinh nghiệm từ cơn lụt lớn cuối năm 2009, UBND xã Xuân Sơn Bắc đã sớm xây dựng phương án ứng phó khi có lụt bão xảy ra. Theo đó tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã phải nghiêm túc thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) nhằm mục đích hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt bão gây ra; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước ở những khu vực xung yếu. Xã đã mua 6 sõng loại lớn trang bị cho các xóm thường bị nước sông uy hiếp, trên mỗi phương tiện đều có loa cầm tay, áo đi mưa, đèn pin, phao và áo phao. Lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn gồm 30 thành viên là những người bơi lội giỏi đã trải qua các lớp tập huấn phòng chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Khi xảy ra mưa bão, lực lượng này sẽ được bố trí ở những khu vực trọng yếu để kịp thời giúp dân sơ tán đến khu vực an toàn. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân Xuân Sơn Bắc còn bố trí các thành viên là lãnh đạo địa phương về “cắm” tại các thôn để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, đồng thời dự báo các tình huống có thể xảy ra, các vị trí có thể di dời dân đến khi có tình huống khẩn cấp và chuẩn bị lương thực, nước uống cùng các loại nhu yếu phẩm cần thiết nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi xã bị lụt cô lập hoàn toàn.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc Đặng Ngọc Tân, do kinh phí hạn chế nên trước mắt xã cần huyện hỗ trợ mua thêm 6 chiếc sõng lớn cho các thôn cùng một số phao, áo phao, cặp phao (của học sinh). Về lâu dài, tràn sông Cô cần được nâng cấp để nhân dân có thể đi lại trong mùa lụt, phá thế “ốc đảo” vẫn thường xảy ra khi mùa mưa bão đến. Đây là vấn đề nhân dân xã Xuân Sơn Bắc đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
HOÀI TRUNG