Chính phủ đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền của phụ nữ được thể hiện rõ trong Hiến pháp và trong các bộ luật, song trên thực tế bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung.
Nữ bác sĩ là phẫu thuật viên chính trong một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY |
Trong những năm qua, việc thực hiện bình đẳng giới đạt kết quả bước đầu khả quan. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày một nâng lên. Nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn còn nhiều tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống cũng như công tác quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực bình đẳng giới.
Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ còn diễn ra ở nhiều nơi. Vai trò, vị trí của phụ nữ tuy được cải thiện nhưng cơ hội học tập, phát triển còn nhiều hạn chế so với nam giới. Việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ và trẻ sơ sinh một số nơi vẫn chưa đạt các chỉ tiêu đề ra. Tỉ số giới tính của trẻ sơ sinh ở một số nơi vẫn còn cao, chưa phù hợp với quy luật thông thường. Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009 ở tỉnh Phú Yên, tỉ số giới tính chung là 100/101 (nghĩa là cứ có 100 bé gái chào đời thì số bé trai chào đời tương ứng là 101), riêng TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa có tỉ số giới tính khi sinh rất cao (116 - 117 bé trai/100 bé gái). Điều này cho thấy, định kiến về giới vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội.
Trong khi đó, còn những thách thức trong việc thực hiện bình đẳng giới, như đa số lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp thường có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế không được đảm bảo; trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của lao động nữ thường yếu hơn nam giới; phụ nữ thường bị bóc lột sức lao động, bị buôn bán ra nước ngoài, mại dâm…
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, cho rằng: Các nghị định của Chính phủ về biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và xử phạt vi phạm về bình đẳng giới tuy đã có nhưng trong các thông báo tuyển dụng lao động, nhiều nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên tuyển nam. Giữa luật pháp chính sách và thực tế có khoảng cách lớn. Ngành Lao động - Thương binh - Xã hội được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình về bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, bộ máy thực hiện không tăng, người làm kiêm nhiệm, nhất là ở cấp cơ sở. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự chú trọng lồng ghép chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ đơn vị mình.
Hơn nữa, việc thực hiện miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp sử dụng lao động nữ cao, tuy được quy định trong luật, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể từ ngành Thuế, chưa có chính sách ưu tiên khác mang lại quyền lợi cho doanh nghiệp, mà chỉ toàn thấy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lao động nữ. Điều này khiến cho các chủ doanh nghiệp không mặn mà với việc tuyển dụng lao động nữ.
Bà Cao Thị Hòa An, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ: Đối với gia đình, thiên chức làm mẹ, làm vợ của phụ nữ chiếm khá nhiều thời gian. Chính vì vậy, khi tham gia công tác xã hội, họ luôn bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, trau dồi kiến thức... Gánh nặng gia đình làm giảm sút sức vươn của họ. Vì thế, cần có một tổ chức nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của phụ nữ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, đời sống xã hội và gia đình. Vì vậy, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới cần được các cấp, ngành quan tâm. Điều đáng nói là cùng với sự hỗ trợ tích cực từ pháp luật, người phụ nữ cần ý thức và nhận thức đầy đủ về quyền của mình, chủ động bảo vệ mình trước bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình.
NGỌC DUNG