Là một thương binh hạng 3/4, nhưng ông Huỳnh Văn Tánh, 59 tuổi, hiện cư trú tại Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc (thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) đã vượt lên thương tật, trở thành người làm kinh tế giỏi.
Ông Huỳnh Văn Tánh bên cây mít trĩu quả - Ảnh: T.HIẾU |
Hơn 15 năm trước, gia đình ông Huỳnh Văn Tánh thuộc diện đói nghèo nhất nhì của thôn, không đủ cơm ăn, áo mặc. Những người con của ông phải bỏ học giữa chừng vì nhà nghèo. Nhưng với nghị lực phi thường, ông Tánh đã vượt qua khó khăn, nghèo nàn. Ông tâm sự: “Sinh ra trong một gia đình nghèo nên từ nhỏ, mọi cái khó, cái khổ tôi đều nếm trải và chịu đựng được. Đến năm 1969, tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ đơn vị 205 của Huyện đội Tuy Hòa 2, nên nghị lực và ý chí được tôi luyện thêm”.
Trong những năm ở Huyện đội Tuy Hòa 2, một lần trên đường đi công tác, ông Tánh bị địch phục kích, bị thương khá nặng. Đồng đội chuyển ông về Trạm xá Y12, rồi Trạm xá Y14 (huyện Tuy Hòa) để chữa trị. Do vết thương nặng, không lành, về sau ông được chuyển ra Hà Nội để điều trị tiếp. Năm 1974, ông về lại địa phương và chuyển ngành làm công an huyện Tuy Hòa. Đến năm 1991, các vết thương lại tái phát, ông Tánh đành phải về hưu theo chế độ với quân hàm đại úy. Ông Tánh nói: “Lúc ấy, đồng lương không đủ nuôi 5 đứa con ăn học trong khi đó ruộng đất cũng không có để canh tác. Năm 1992, Nhà nước có chương trình trồng rừng tại thôn Ngọc Sơn Tây, tôi đến đăng ký đi liền”.
Đến vùng đất đầy nắng gió này, ban đầu gia đình ông Tánh gặp không ít khó khăn. Cả nhà phải đổ sức phát dọn, vỡ đất hoang, trồng các loại cây sắn, khoai lang, mía… để sinh sống, sau đó mới trồng những cây lâu năm. Trang trại của vợ chồng thương binh Huỳnh Văn Tánh nằm cách con suối Lồ Ồ khoảng 300m, việc tưới tiêu cũng bất tiện, nên ông quyết định đào hai cái ao khoảng nửa sào đất, xây bốn phía rất kiên cố rồi bắt ống nước chảy tự nhiên từ suối về ao. Nhờ vậy mà vườn cây của ông quanh năm xanh tươi đơm hoa kết trái thu lại lợi nhuận rất cao. Ông Tánh còn tận dụng ao chứa nước này để thả cá trầu, cá trê nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cứ theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay, vợ chồng ông Tánh đã có 10ha đất trồng trọt, trong đó 3ha trồng cây ăn quả như mít, chanh, mãng cầu… hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Diện tích đất còn lại, ông trồng keo và bạch đàn, đến nay đã có 2ha cho thu hoạch. Ông còn dành 1ha để trồng đào, nay đã được 5 năm tuổi, đang ra hoa kết trái. Ngoài ra hàng năm, ông còn trồng xen canh các loại cây như khổ qua, dưa leo, ớt… thu nhập trên 30 triệu đồng; nuôi bò vỗ béo mỗi năm thu khoảng 20 triệu đồng.
Ông Tánh kể: “Ban đầu lên trang trại Sơn Ngọc chỉ có một vài gia đình nên buồn lắm. Năm 1998, tôi vận động một số bà con lên ở cùng nên mới thành lập tổ hợp tác. Đến nay tổ hợp tác này đã có 56 hộ với tổng diện tích trên 200ha. Năm nào trang trại cũng có người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Mới đây, cán bộ và người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi cũng đến tham quan mô hình tổ hợp tác của chúng tôi”.
Với những kết quả đạt được, ông Tánh được vinh dự đi dự Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc, được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tặng hai bằng khen về thành tích thương binh sản xuất giỏi. Năm nào ông cũng được nhận bằng khen, giấy khen các cấp. Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Phú Yên lần thứ III sắp tới.
TRUNG HIẾU