Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) của Bộ Y tế có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại Phú Yên, đề án còn gặp nhiều bất cập.
Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được hỗ trợ kỹ thuật về nội soi khớp - Ảnh: T.THỦY |
HỖ TRỢ TUYẾN TỈNH - HIỆU QUẢ
Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được nhận rất nhiều sự chuyển giao, hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện hạng 1 khi triển khai Đề án 1816, như: Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ hồi sức sơ sinh, gây mê hồi sức, nội tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, ngoại tổng quát, sản khoa, chống nhiễm khuẩn. Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ về hồi sức cấp cứu, phẫu thuật ngoại thần kinh, gây mê hồi sức, phẫu thuật sọ não. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ phẫu thuật nội soi sản phụ khoa. Bệnh viện Nội tiết Trung ương hỗ trợ phẫu thuật bướu giáp trạng. Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ ngoại tiết niệu. Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hỗ trợ ngoại tổng quát. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ chống nhiễm khuẩn, nội tiết. Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội) hỗ trợ phẫu thuật nội soi.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên Bùi Trần Ngọc cho biết: “Nhờ có được sự trợ giúp, chuyển giao theo kiểu cầm tay chỉ việc từ các bệnh viện tuyến trên, không chỉ đội ngũ y bác sĩ được nâng cao tay nghề, mà người dân cũng được hưởng lợi rất lớn như khả năng điều trị bệnh nâng cao, chi phí điều trị giảm. Từ đó, bệnh viện mạnh dạn thành lập khoa Điều trị dịch vụ và đơn vị Điều trị chấn thương sọ não (thuộc khoa Ngoại chấn thương)”.
Mới đây, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Phú Yên cũng đã được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng sớm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chuyển giao phương pháp điều trị co cứng cơ trong tổn thương tủy sống, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não. Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Nhờ phương pháp tiêm chuyên biệt hai loại thuốc từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao, chúng tôi sẽ giúp nhiều bệnh nhân mau phục hồi về cơ”.
HỖ TRỢ TUYẾN HUYỆN, XÃ - NHIỀU KHÓ KHĂN
Tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thể được cải thiện khi trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, các dịch vụ y tế tại các bệnh viện tuyến dưới và trạm y tế xã được nâng cao. Theo Sở Y tế Phú Yên, đối với các huyện thiếu bác sĩ, các xã chưa có bác sĩ, việc luân chuyển bác sĩ về khám, chữa bệnh theo chế độ lưu trú trong thời gian ngắn hoặc một số buổi trong tuần là giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tuy vậy, trong tình trạng thiếu nhân lực, nhất là thiếu bác sĩ như hiện nay, thì việc thực hiện Đề án 1816 gặp nhiều khó khăn.
Trạm Y tế các xã An Xuân, An Lĩnh, An Dân nhận được sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An về luân phiên từ năm 2009. Một số kỹ thuật chuyên môn được huấn luyện, chuyển giao cho tuyến dưới như: hồi sức sơ sinh, kê đơn thuốc an toàn, cách khám và điều trị bệnh nhân bị da liễu, khám và điều trị viêm họng, chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp, khám phát hiện bệnh nhân xơ hóa cơ delta. Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An cho biết: “Thực hiện Đề án 1816 ở cơ sở thực chất là bác sĩ chỉ làm thay việc, tăng cường hỗ trợ chăm sóc ban đầu chứ không phải chuyển giao công nghệ, vì bác sĩ ở đơn vị chỉ đến các trạm y tế chưa có bác sĩ thôi. Có hai cách hỗ trợ là căn cứ vào tình hình bệnh tật hoặc theo yêu cầu cần thiết ở lĩnh vực nào của trạm y tế đề nghị. Mỗi ngày làm việc tại bệnh viện, bác sĩ khám ít nhất 40 bệnh nhân, nhưng về xã thì cao lắm cũng chỉ khám cho 10 trường hợp. Đây là một sự gây lãng phí”.
Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu hàng tuần cử y, bác sĩ về hỗ trợ khám chữa bệnh vào các buổi chiều thứ hai, tư, năm tại Trạm Y tế xã Xuân Cảnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu, bộc bạch: “Về hỗ trợ cho tuyến xã thì tại đơn vị không đảm bảo nhân lực hoạt động. Theo quy định, bác sĩ trực 24 giờ thì được nghỉ bù hôm sau, nhưng bác sĩ tăng cường lại không được hưởng chế độ này. Bác sĩ khoa Ngoại về xã muốn mổ cho bệnh nhân cũng không được, vì tại trạm y tế không có làm xét nghiệm, nên người bệnh cũng phải đi đến bệnh viện huyện. Việc cử bác sĩ về hỗ trợ tuyến xã tốn kém, nhưng hiệu quả chưa cao”.
Bác sĩ Đỗ Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh - đơn vị chỉ có 6 bác sĩ, cho biết: “Bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh về hỗ trợ tại bệnh viện chúng tôi là một điều tốt. Song, hiệu quả khó phát huy được hết vì bác sĩ bệnh viện tuyến trên mang tính chuyên khoa sâu, còn ở bệnh viện huyện thì làm việc đa năng. Bác sĩ tuyến tỉnh về, khi có bệnh thì mới mổ”.
Theo đánh giá của Sở Y tế Phú Yên: Thực hiện Đề án 1816 còn những khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của các bệnh viện quá thiếu thốn, chưa đồng bộ nên khó triển khai một số kỹ thuật cao, chuyên sâu. Công tác chống nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh toàn diện chưa đáp ứng theo yêu cầu với sự chỉ đạo, hỗ trợ của tuyến trên. Bên cạnh đó, một số cán bộ của tuyến trên được luân phiên cử đến công tác tuyến dưới chưa thực hiện đủ thời gian phân công do bận việc riêng, thi, dự hội nghị… Tuy vậy, Đề án 1816 cần tiếp tục duy trì, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các cán bộ đi luân phiên. Các bệnh viện tuyến trên căn cứ yêu cầu của đơn vị tiếp tục cử cán bộ luân phiên về hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện tốt mục tiêu của đề án đề ra.
THU THỦY