Bảo đảm an toàn cho hơn 7.800 tàu thuyền trong mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp bách của các đơn vị, ngành chức năng và địa phương trên tuyến biển Phú Yên. Tuy nhiên, vấn đề này gặp những khó khăn vì các nguyên nhân đã cũ!
Mùa mưa bão 2010 đang đến gần. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay khả năng tần suất bão sẽ dày hơn và cường độ cũng mạnh hơn năm trước. Việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền càng khó khăn, phức tạp.
Do cửa biển Lễ Thịnh bị bồi lấp, ngư dân xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) phải neo tàu thuyền ngoài biển - Ảnh: L.BIẾT |
CỬA BIỂN CẠN, BẾN CHẬT CHỘI
Phú Yên hiện có 15 điểm, chủ yếu là những vũng, vịnh tự nhiên được ngư dân tận dụng làm bến neo đậu tàu thuyền. Bến đậu hàng năm không tăng thêm, lại bị bồi lấp, trong khi đó lượng tàu thuyền mỗi năm một nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải tại các nơi neo đậu. Bến Đông Tác thuộc phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chỉ đủ chỗ cho khoảng 300 tàu, nhưng khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nơi đây phải thu nạp hơn 600 tàu thuyền của phường Phú Đông, phường 4, phường 6 và nhiều tàu vãng lai khác vào trú. Tàu ken dày như nêm, không còn khoảng cách an toàn nên khi gặp gió to, nước lớn, va đập mạnh vào nhau, dẫn đến hư hỏng, chìm đắm. Ông Nguyễn Văn Lễ, ngư dân phường Phú Đông, cho biết: “Bến bãi quá chật, không đảm bảo việc neo đậu, nên khi có mưa bão, chính quyền địa phương vận động bà con đưa tàu thuyền vào bờ trú ẩn, đặc biệt là khi vào bờ, chúng tôi phải bó chặt lại để giữ với nhau”.
Còn tại khu vực cửa Lễ Thịnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), hằng ngày tình trạng cạn cửa biển và biến đổi luồng lạch cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc neo đậu tàu thuyền. Ông Nguyễn Đức, ngư dân thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông) than thở: “Mỗi khi có bão, chúng tôi phải đưa tàu thuyền vào đây chen chúc nhau núp gió vì không biết neo đậu ở đâu”.
Bến bãi neo đậu bị cạn, chật chội, trong khi các khu neo đậu đủ quy cách vẫn đang trong quá trình xây dựng dang dở nên các ngư dân Phú Yên phải tự xoay trở. Hậu quả là mới vào đầu mùa mưa bão 2010, ngư dân Phú Yên đã bị thiệt hại nặng nề do đắm tàu. Vào ngày 27/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã phải huy động hơn 60 lượt cán bộ, chiến sĩ hai đồn Biên phòng 344, 348 phối hợp hỗ trợ người dân trục vớt 18 tàu thuyền, ca nô bị chìm do sóng lớn đánh vào sáng 26/7. Còn ở cửa biển Hòa Lợi (xã Xuân
Tàu thuyền đậu chen chúc với vùng nuôi tôm do thiếu nơi neo đậu- Ảnh: L.BIẾT |
SẴN SÀNG ỨNG PHÓ, NHƯNG...
Để giải quyết tình trạng bồi lấp tại các bến, bãi neo đậu tàu thuyền, hàng năm Phú Yên trích ngân sách đầu tư nạo vét luồng lạch. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp, mỗi năm vài trăm triệu đồng chỉ như “muối bỏ bể”. Ngư dân ở các làng biển Phú Yên cũng tự nguyện đóng góp kinh phí để nạo vét nơi neo đậu nhưng vì là vùng bãi ngang, tốc độ bồi lấp rất nhanh nên ngay sau khi nạo vét không lâu đâu lại vào đấy.
Để giảm thiểu thiệt hại, đầu mỗi mùa mưa, ngành NN-PTNT Phú Yên triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn ngư dân cách thức neo đậu tàu thuyền an toàn tại các bến bãi khi gió to, sóng lớn; phối hợp với lực lượng các đồn, trạm Biên phòng kiểm điểm phương tiện, sắp xếp vị trí neo đậu an toàn... Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên nói: “Cũng như những năm trước, chúng tôi vẫn chủ yếu dựa vào các địa thế tự nhiên để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu. Những thuyền nhỏ buộc phải kéo lên trên bờ. Thuyền lớn thì đưa vào các eo, ngách kín gió hay các vũng tự nhiên để tránh tàu”.
Nhằm hỗ trợ ngư dân đảm bảo an toàn tàu thuyền, lực lượng Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã triển khai nhiều phương án cơ động ứng cứu tại các vùng cửa sông, cửa biển trong mùa mưa bão năm nay. Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết: “Ở các vùng luồng lạch bị cạn, nhất là ở khu vực phía bắc nếu không có một phương tiện lớn cơ động sẽ hết sức khó khăn. Vì vậy năm nay chúng tôi đưa một chiếc tàu sắt công suất 345CV về khu vực Đồn Biên phòng 346 để cơ động ứng cứu khi có các tình huống xấu xảy ra ở khu vực phía bắc tỉnh. Đồng thời chúng tôi tăng cường cho Đồn Biên phòng 346 một ca nô 75CV để cơ động ứng cứu”.
Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Trọng Huyền, trong điều kiện bến bãi không đảm bảo và phương tiện cứu hộ thiếu thốn như hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hết sức khó khăn. Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh cần đẩy nhanh việc xây dựng các điểm neo đậu tàu thuyền đúng quy cách theo chủ trương của Chính phủ, vì sự an toàn cho hàng nghìn tàu thuyền và tính mạng của ngư dân trong mùa mưa bão.
LÊ BIẾT