Thứ Tư, 02/10/2024 00:22 SA
Kỹ sư Trần Sum, “cha đẻ” của nhiều sáng chế
Thứ Hai, 06/09/2010 18:00 CH

Nhiều nông dân trồng mía và cả tài xế xe chở mía đã quen mặt kỹ sư Trần Sum. Trước khi nghỉ hưu (Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh), ông đã chế tác thành công chiếc máy bốc mía lên xe, giải phóng công lao động. Không dừng lại ở đó, hiện ông đang tiếp tục nghiên cứu cho ra đời máy bốc mía thế hệ F2 và máy chặt mía.

 

transum100906.jpg

Kỹ sư Trần Sum đang thiết kế cải tiến máy chặt mía trên máy tính - Ảnh: T.QUỚI

 

Những ngày mới nghỉ hưu, ông Trần Sum chưa quen với việc nghỉ ngơi. Hàng ngày, ông vẫn giữ thói quen làm việc. Chiếc máy tính xách tay cỡ nhỏ là người bạn của ông. Suốt ngày, ông gõ gõ, vẽ vẽ mô hình, nguyên lý hoạt động của những chiếc máy.

 

Vụ mía năm 2008, trước sự bức xúc của nhiều nông dân về công chặt mía, ông Sum và các cộng sự lặn lội ra đồng quan sát công đoạn nhân công đưa mía lên xe.

 

Họ bắc một cái thang dài lên thùng xe tải, nhân công lần lượt đứng vào thang chuyền những bó mía lên cao dần. Hình ảnh những bó mía được những nông dân lực điền (người yếu sức không kham nổi công đoạn này) vận lực nâng lên đưa qua khỏi đầu, người sau lại tiếp tục như vậy ám ảnh kỹ sư Trần Sum. Từ đó ông nảy sinh ý tưởng: Tại sao không dùng chiếc thang tự động để chuyển mía theo nguyên lý băng tải? Ý tưởng này đã giúp ông chế tác thành công chiếc máy bốc mía thế hệ đầu tiên mang mã số F1-SCT 901. Máy bốc mía F1 “made in” Trần Sum khá đơn giản: một chiếc thang cố định, hệ thống băng tải và chiếc máy nổ D12. Băng tải chia thành từng nấc cố định làm giá đỡ những bó mía. Khi hoạt động, băng tải liên tục quay đều lên - xuống, nông dân chỉ cần chuyển mía lên thang và nhận mía ở xe để sắp xếp ngay ngắn.

 

Nếu dựa vào lao động chân tay hoàn toàn, mỗi xe mía phải tốn khoảng 10 công lao động, mất khoảng một tiếng đồng hồ, trong khi nhờ chiếc máy bốc mía F1 của kỹ sư Trần Sum tất cả các thông số trên giảm một nửa! Toàn bộ chi phí mua vật tư, máy nổ để hoàn thiện chiếc máy 30 triệu đồng và được Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hỗ trợ. Niên vụ mía 2009-2010, chiếc máy bốc mía F1-SCT 901 được nông dân các huyện trọng điểm nguyên liệu mía sử dụng.

 

Tuy nhiên, theo kỹ sư Trần Sum chiếc máy bốc mía F1-CT901 vẫn còn nhiều hạn chế cần phải điều chỉnh. Trong đó, hai hạn chế lớn nhất là cồng kềnh và không tự di chuyển. Muốn ra ruộng phải khiêng lên - xuống xe rất bất tiện, đã thôi thúc ông tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của máy. Mặc dù đã nghỉ hưu theo chế độ, nhưng trách nhiệm của một kỹ sư không cho phép ông dừng lại. Hiện tại, kỹ sư Trần Sum đã hoàn tất thiết kế, bản vẽ kỹ thuật chiếc máy bốc mía thế hệ F2, gọn nhẹ hơn và quan trọng là có thể tự chạy ra tới ruộng để đưa mía lên xe. Hiện hồ sơ thiết kế của chiếc máy này đang được Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh xét duyệt, cấp kinh phí thực hiện từ nguồn vốn nghiên cứu khoa học.

 

Không dừng lại ở đó, hiện kỹ sư Trần Sum đang bắt tay vào cải tiến máy chặt mía. Theo ông, chiếc máy này đã có sẵn và hoạt động rất hiệu quả ở miền Bắc đối với ruộng mía trồng ngay hàng, thẳng luống. Nhưng với vùng mía Phú Yên thì cần phải cải tiến một vài bộ phận mới phù hợp với địa hình và lối mọc không thẳng hàng. Nếu thành công theo đúng thiết kế thì chiếc máy chặt mía có thể giải phóng được hơn 200 lao động/ngày mà vẫn đảm bảo công suất tương đương. Trong một giờ, máy chặt mía có thể chặt được 1ha mía, bằng 40 lao động làm việc một ngày!

 

Kỹ sư Trần Sum tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí động lực học Trường Đại học Bách khoa Minsk Belarusia (Liên Xô cũ), khóa 1968-1972. Trở về nước, gắn bó với Phú Yên từ năm 1993 đến nay, có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp tỉnh nhà. Trước khi chế tạo thành công chiếc máy bốc mía, kỹ sư Trần Sum là “cha đẻ” của những chiếc máy đập, chải xơ dừa (phục vụ sản xuất thảm xơ dừa), máy tuốt cọng lá dừa phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa. Công suất những chiếc máy này thay thế hàng trăm lao động và hiện đang phát huy hiệu quả.

 

Động lực để kỹ sư Trần Sum có nhiều ý tưởng sáng tạo và cho ra những sản phẩm xuất phát từ nhiệm vụ và yêu cầu thực tế. Khi hỏi về “bản quyền” những sáng chế của mình, kỹ sư Sum tâm sự: “Nếu bán được bản quyền thì tôi đã giàu to rồi. Thật sự tôi không quan tâm lắm vấn đề này, đó là công việc thường ngày của một cán bộ ăn lương Nhà nước! Niềm vui lớn nhất của tôi là được nhìn thấy những “đứa con tinh thần” của mình mang lại lợi ích thực sự cho xã hội, nhất là những nông dân một nắng hai sương”.

 

GIA MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek