Tiền triệu đối với người ở phố đã là không nhỏ, đối với bà con vùng nông thôn thì quả là một khoản đáng lo nghĩ. Người ở quê có con vào đại học thật đáng tự hào nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, không ít gia đình đang phải chạy vạy khắp nơi để có tiền cho con ăn học ở thành phố. Chỉ vì nhiều cô cậu ở quê khi chọn trường là nhắm thẳng đến thành phố lớn mà không nghĩ gì đến kinh tế của gia đình. Khi đứa con út nhận được giấy báo nhập học khoa Y học cổ truyền (Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Ngân ở Hoà Định Đông (huyện Phú Hoà) thật hãnh diện. Thế nhưng sau đó, bà lại lo lắng vì những khoản cần phải chuẩn bị cho cậu quí tử lên đường vào đại học. Bà nhẩm tính, nào là học phí, bảo hiểm, tiền thuê phòng trọ, tiền ăn uống… cũng hơn một triệu đồng! Bà Ngân bộc bạch: “Tôi cũng đành bấm bụng vay đầu này, mượn đầu kia cho con vào đại học, mong cháu có một tương lai tươi sáng hơn”. Còn chị Lê Thị Như ở Hoà Quang
Trong xu hướng phát triển chung, hầu như cô tú, cậu tú nào ở quê cũng muốn làm sinh viên thành phố, và phụ huynh của họ càng vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Những gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập từ đám ruộng thì quả thật không lúc nào nguôi ám ảnh chuyện cơm áo gạo tiền, và cả chuyện con học xa nhà bữa đói, bữa no. Tiền kiếm được ở quê nuôi con học nơi thành phố thì làm sao tránh khỏi cảnh gán nợ hay vay nóng? Thế nhưng, một số sinh viên ở quê lên thành phố lại say sưa với những thú vui lạ mắt, lạ tai mà sao nhãng việc học hành. Đồng tiền đổ mồ hôi, sôi nước mắt của phụ huynh ở quê vô cớ chảy vào quán cà phê, “tình phí” cho những cuộc yêu đương nhà trọ chớp nhoáng, hoặc dùng để photo tài liệu, đóng lệ phí thi lại… Anh Đ.N.L. ở Hoà Thắng, sau một thời gian lo cho cậu con trai học ở một trường đại học nổi tiếng với học phí tính bằng USD cũng đành cho con nghỉ học, vì cậu này học lực trung bình, không thể cạnh tranh nổi với những sinh viên khác trong trường. “Nghĩ thật buồn và thật xót xa, nuôi con thấm đẫm mồ hôi thế mà chẳng đi đến đâu cả. Cuối cùng cũng phải cho con về học tại chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên cho gần nhà và đỡ tốn nhiều khoản” - anh L. trăn trở.
Được vào đại học là một niềm vui lớn, nhưng cũng thật đáng trách khi không ít sinh viên lại cứ mải mê chen vào những trường ở các thành phố lớn mà quên hoàn cảnh gia đình mình, đặc biệt là chưa xem lại sức học của chính bản thân. Ở nhà, cha mẹ, người thân vẫn cứ ky cóp từng đồng tiền quê để lo cho con nơi phố thị. Vì thế, mong lắm những cô cậu tân sinh viên đừng bỏ bê việc học hành, chạy theo phù hoa nơi đô thị mà quên đi công sức người thân ở quê nhà.
BẢO TRÂN