15 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Phú Yên luôn không ngừng cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ngay từ những năm đầu thành lập ngành, công tác cải cách hành chính đã được chú trọng, thể hiện qua việc giảm dần một số loại hồ sơ, giấy tờ, thủ tục về giải quyết chính sách, chế độ BHXH, cấp sổ BHXH, chi trả lương hưu, trợ cấp… Đặc biệt, ngoài việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH thường xuyên, trợ cấp một lần, thực hiện tốt việc chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức đúng quy định, toàn ngành còn triển khai các biện pháp nhằm chi trả kịp thời, đúng đối tượng, nhiều trường hợp cán bộ chi còn trực tiếp mang tiền đến tận nhà người già yếu, lão thành cách mạng hoặc các trường hợp khó khăn không thể đến nhận tiền ở các điểm chi trả cố định.
Quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, phục vụ đối tượng từng bước được đưa vào nội dung công tác trọng tâm của ngành. Theo đó, BHXH cấp huyện được phân cấp trực tiếp giải quyết các chế độ ngắn hạn, chi trả các chế độ thường xuyên, thực hiện nghiệp vụ thu cho tất cả các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN thuộc địa bàn quản lý; giám định và giải quyết thanh toán KCB. Chính việc phân cấp này đã làm giảm đáng kể số lượng đối tượng thời gian liên hệ với văn phòng BHXH tỉnh như trước đây. Tiếp đó, đầu năm 2009, BHXH tỉnh đã phân cấp cho 9 BHXH huyện, thị xã, thành phố trực tiếp tiếp nhận và in thẻ BHYT tự nguyện, nhờ vậy đã giảm đáng kể việc đi lại cho nhiều người cần chỉnh sửa, in cấp lại thẻ bị mất…
Năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã có trên 400.000 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN chiếm khoảng 45% dân số của tỉnh. Trong mục tiêu phát triển BHXH và BHYT toàn dân, dự báo số người tham gia sẽ tăng nhanh vào những năm tới, đòi hỏi ngành phải có những giải pháp nâng cao năng suất lao động mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Từ yêu cầu trên, BHXH tỉnh thực hiện Đề án Cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” với mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát là: giải quyết kịp thời, đúng chế độ, chính sách, tạo thuận lợi cho đối tượng. Ngày 1/4/2008, BHXH Phú Yên thực hiện “một cửa” tại văn phòng BHXH tỉnh và 1/4/2010 tại BHXH TP Tuy Hòa. Với mô hình này, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động khi đến giải quyết chế độ chính sách chỉ làm việc tại bộ phận Tiếp nhận – Quản lý hồ sơ thay vì phải đi lại nhiều lần và làm việc với nhiều bộ phận như trước đây, rút ngắn nhiều thời gian so với quy định. Đồng thời, phương thức mô hình “một cửa” từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức nói chung; giúp cơ quan kiểm soát được thao tác nghiệp vụ và quy tắc ứng xử, tác phong phục vụ của từng cán bộ công chức khi xử lý công việc, tránh được những phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết hồ sơ. Mỗi cán bộ công chức luôn tự học hỏi, cải tiến, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, đổi mới hướng tiếp cận công việc để mang lại hiệu quả cao nhất.
QUANG PHƯƠNG