Thứ Tư, 02/10/2024 00:34 SA
Người đàn bà không biết sợ
Thứ Tư, 02/08/2006 08:31 SA

Xưa nay, khâm liệm xác chết là việc của đàn ông. Vậy mà một người phụ nữ thanh mảnh ở TP Tuy Hòa tự nguyện nhận lấy công việc “đáng sợ” này. Hai mươi sáu năm qua, chị đã giúp nhiều người bước lên chuyến xe vào cõi vĩnh hằng với một hình ảnh đẹp lưu lại trong ký ức người thân.

 

NGƯỜI CHẾT CŨNG CẦN PHẢI ĐẸP

 

Thường xuyên vào bệnh viện chăm sóc những bệnh nhân không có người thân ở bên, ngày nọ chị trở thành người liệm xác bất đắc dĩ khi một trong số họ qua đời. Khi đó, vượt lên cảm giác sợ hãi trước cái chết là tình thương đối với phận người không may mắn. Và chính tình thương ấy đã gắn chị vào công việc hết sức đặc biệt này từ năm 1980 cho đến nay.

 

060802-chi-Lan.jpg

Chị Lan chuẩn bị khâm liệm

 

Thời gian đầu làm người liệm xác, chị bắt gặp không ít ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn nghi ngờ. Tang gia bối rối, có người vẫn thì thào: Bà này là ai mà “cả gan” làm công việc của đàn ông? Nhưng ngay sau đó, chị đã làm họ yên lòng bởi sự tận tình chu đáo. Qua nhiều lần khâm liệm, chị biết phải làm sao để  thay áo cho tử thi một cách nhanh chóng gọn gàng, làm sao để gương mặt họ không nhợt nhạt đáng sợ… Chị quan niệm: “Người chết cũng cần phải đẹp, vì con cháu họ sẽ lưu giữ hình ảnh đó rất lâu trong tâm trí.” Chính vì suy nghĩ này mà chị có những cách làm khác với “truyền thống”: Sau khi vệ sinh xác chết, chị trang điểm nhẹ để gương mặt họ trở nên hồng hào. Và, thay vì chiếc áo trắng tang tóc, chị mặc cho họ bộ quần áo đẹp nhất, mang đôi giày đẹp nhất để lên chuyến xe đi về phía bên kia.

 

“VÌ SAO LẠI SỢ?”

 

Ông Trần Văn Hòa, Phó Bí thư chi bộ, khu phố trưởng khu phố 6 phường 2: “Chị Lan là người rất tích cực trong công tác xã hội. Chị chăm sóc người già neo đơn, bệnh tật; giúp đỡ những trường hợp khó khăn bằng cách huy động vốn và cho chị em vay không tính lãi. Ngoài ra, chị còn làm một công việc khá đặc biệt là tẩm liệm cho người chết… Không riêng phụ nữ ở khu phố mà chị em trong phường đều rất cảm phục. Chính quyền địa phương đã đề xuất lên cấp trên để tuyên dương những việc làm đầy ý nghĩa của chị đối với cộng đồng”.

Nhiều người thắc mắc: Một phụ nữ mảnh dẻ như chị sao lại gắn bó với công việc dễ sợ này? Chị trả lời bằng câu hỏi: Vì sao lại sợ? Khi một người nằm xuống, cả gia đình đau đớn hoang mang. Thì phải có ai đó bình tĩnh giúp người ta chớ. Hai mươi sáu năm qua, chị làm công việc này bằng sự cảm thông trước nỗi đau và bằng tấm chân tình. Năm sáu năm trước, trong lúc nhiều người còn kinh sợ HIV/AIDS một cách mù quáng, chị đã đứng ra khâm liệm cho một đứa trẻ bảy tuổi sau khi cuộc sống của cháu bị AIDS cướp đi. Nếu chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chị đã không làm được điều đó.

 

Bất kể sáng trưa chiều tối, bất kể khi khỏe mạnh hay ốm đau, hễ có người gọi là chị tất tả đi. Không chỉ khâm liệm cho những người Công giáo, với người ngoài đạo chị cũng giúp rất nhiệt tình.

 

Khâm liệm không biết bao nhiêu tử thi, chị có nhiều “kỷ niệm”. Có lần liệm xác vào buổi tối, điện lại cúp. Ánh đèn dầu le lét soi khuôn mặt người chết nhưng không đủ sức xua hết bóng tối trong căn phòng. Chị vừa bước lên giường để sửa lại tư thế cho tử thi thì chiếc giường mục sập xuống. Lần khác, chị cùng vợ một người bị chết nước vô Đại Lãnh chở xác về Tuy Hòa. Qua mấy khúc cua, chiếc xe nghiêng qua một bên, xác chết lăn vào chân chị. Năm nọ, mới tờ mờ sáng mùng một Tết đã nghe tiếng phụ nữ khóc thống thiết trước nhà, rằng con mình vừa chết vì nghịch đạn pháo, nhờ chị đến giúp. Chẳng kiêng cữ tết nhứt, chị đi ngay. Song khó quên nhất là những lần chị cầm túi nilon đi nhặt lại từng phần thân thể của những người chết thảm khốc do tại nạn giao thông, do lựu đạn nổ…

 

Tiếp xúc với người chết, chị không ngại. Nhưng cảm giác đau xót thì vẫn vẹn nguyên, mỗi khi nhìn thấy nước mắt của người vợ mất chồng, của đứa trẻ mất cha, của người mẹ mất con. Nỗi đau của người khác vẫn làm cho chị đau đớn.

 

NGƯỜI CỦA CỘÏNG ĐỒNG

 

Chị là con thứ trong một gia đình khá đông anh chị em, ngay từ nhỏ đã thấm nhuần những điều răn và tinh thần bác ái. Nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh mồ hôi trộn nước mắt để nuôi ba đứa con gái nên người, chị càng hiểu hơn ý nghĩa của sự cảm thông chia sẻ, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Vì vậy, ngay từ khi còn trong cảnh khó khăn, chị luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Cầm những đồng tiền nhỏ nhoi kiếm được từ việc bán cá bán gạo, chị không ngần ngại san sẻ cho người bệnh xa lạ, chẳng bà con thân thuộc với mình.    

 

060802-Chi-Lan-3.jpg

Chăm sóc một người bệnh neo đơn

 

Không chỉ khâm liệm xác chết, bao năm nay chị là “hộ lý” tận tụy của những người già cả neo đơn bệnh tật ở trong và ngoài phường. Hoàn toàn tự nguyện, chị đến với họ và chăm sóc, động viên an ủi họ như người thân của chính mình. Không ngại vất vả, không ngại dơ bẩn và cũng không sợ những căn bệnh như  lao, AIDS… Được các con ủng hộ và tạo điều kiện, người phụ nữ 55 tuổi này dồn tất cả thời gian trong ngày cho công việc bác ái, tối đến mới là thời gian dành cho con cháu trong gia đình. Chị còn đứng ra huy động vốn từ những người khá giả, sau đó cho chị em nghèo vay lại không tính lãi, tạo điều kiện để họ buôn bán làm ăn, cải thiện đời sống.

 

Người phụ nữ đặc biệt đó tên là Nguyễn Thị Lan, chi hội phó chi hội phụ nữ khu phố 6 phường 2.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek