Sáng 19/7, số bệnh nhi nhập viện và đang điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là 130 ca, chiếm gần gấp đôi số giường của khoa này (70 giường). Trong khi đó, số bệnh nhân nằm ở khoa Nhiễm, đa số bị mắc sốt xuất huyết, chiếm gấp bốn lần so với số giường bệnh.
Bệnh nhi tăng đột biến trong những ngày gần đây - Ảnh: G.MINH
Sáng qua, khoảnh sân có bóng mát trước khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) la liệt những giường xếp, võng treo của phụ huynh và các bệnh nhi. Trong số này có cả người mới đến chuẩn bị nhập viện, người chờ làm thủ tục xuất viện, bệnh nhi đang điều trị nhưng vì trong phòng quá chật chội nên phải ra khu vực này cho thoáng. Chị Phương Trang, mẹ của một cháu bé đang bị tiêu chảy, cho biết: “Bác sĩ đã khám con tôi và cho nhập viện, nhưng phải chờ tạm ở đây đợi những bệnh nhân khác xuất viện mới có chỗ nằm”.
Bàn làm thủ tục xuất, nhập viện của khoa Nhi người ken gần kín cả lối đi. Hơi thở người, tiếng trẻ khóc gây ngột ngạt cả dãy phòng của khoa ngay từ sáng đầu tuần. Bác sĩ Nguyễn Trọng Ân, Trưởng khoa Nhi, cho biết: Số lượng bệnh điều trị tại khoa sáng qua rất đông, lên đến 130 ca, đỉnh điểm từ đầu năm đến nay. Khoa Nhi đã linh động giải quyết cho nhiều ca xuất viện sớm, cũng như người nhà có nhu cầu về nhà trước thời hạn mới giải quyết được nơi điều trị cho những ca bệnh mới đến. Cũng theo bác sĩ Ân, ba nhóm bệnh nhi tăng đột biến trong thời tiết nắng nóng hiện nay là sốt siêu vi, tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Cả ba loại bệnh trên đều bị ảnh hưởng nhất định do tác động của môi trường và thời tiết nắng nóng. Số lượng bệnh nhi nhập viện có ngày lên đến gần 40 ca. Ngay trong sáng 19/7, mới khoảng 9g đã có 20 ca làm thủ tục nhập viện.
Ngoài số bệnh nhi điều trị tại đây, khoa Nhi còn đảm trách thường xuyên từ 10-20 trẻ sơ sinh nuôi trong lồng kính. Hiện khoa chỉ có 70 giường, thực kê là 60 giường, nhưng trước tình hình bệnh nhân tăng đột biến, khoa Nhi phải bố trí 2 cháu nằm chung một giường, phụ huynh thì kê giường xếp, võng trong hoặc bên ngoài phòng điều trị. Nhân lực của khoa đã thiếu, những ngày này càng trở nên trầm trọng hơn. Theo quy định của Bộ Y tế, 1,1-1,2 cán bộ y tế/giường bệnh thì tỉ lệ này tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ 0,27 cán bộ y tế/giường bệnh. Để khắc phục tình trạng quá tải trên, không còn cách nào khác là bệnh nhân và người nhà chấp nhận chật chội, còn y, bác sĩ thì phải gồng mình lên để làm tốt công tác khám, điều trị. Bác sĩ Nguyễn Trọng Ân thừa nhận: “Nhiều ca bệnh lẽ ra phải ở thêm để điều trị, nhưng chúng tôi phải xem xét, phát thuốc cho về nhà. Phụ huynh thì nóng ruột vì cảnh ngột ngạt, nên khi thấy trẻ thuyên giảm bệnh là xin xuất viện ngay. Dự báo, thời gian tới, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, số bệnh nhi có chiều hướng tiếp tục gia tăng, nếu các bậc phụ huynh thiếu quan tâm, hoặc chăm sóc con không đúng cách”.
Nơi đăng ký thủ tục nhập viện ở khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đông nghịt người vào sáng 19/7 – Ảnh: G.MINH
Trong khi đó, ở khoa Nhiễm, nơi tiếp nhận, điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng đang gồng mình “gánh” bệnh nhân. Ba ngày gần đây, bệnh nhân SXH nhập vào khoa này có chững lại nhờ ở tuyến huyện đã điều trị phần lớn, nhưng vẫn còn ở mức cao; bình quân mỗi ngày khoảng 18 ca nhập viện. Hiện tại khoa Nhiễm đang lưu dung điều trị 95 ca SXH, trong khi khoa chỉ có 25 giường. Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, khuyến cáo: Hiện nay tình hình dịch bệnh SXH vẫn còn phức tạp. Mới đây tỉnh Khánh Hòa cũng đã công bố dịch SXH, nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên vẫn còn nhiều ổ dịch cũ, hoặc phát sinh ổ dịch mới quy mô nhỏ. Vì thế người dân, ngành y tế, chính quyền địa phương không được lơ là chủ quan.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Ân, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ: Nguyên tắc chung: Nuôi con bằng sữa mẹ; chế độ dinh dưỡng đầy đủ; tiêm phòng đúng kỳ và đầy đủ các loại vắc xin; nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Phòng bệnh tiêu chảy: Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống; xử lý phân đúng cách, mẹ và bé phải lau rửa sạch sẽ sau khi đi ngoài; ăn uống đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh, không nên ăn thức ăn đường phố. Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp: Chỗ ở thoáng mát, tránh khói bụi, khói thuốc lá; tránh tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh; giữ ấm cho trẻ vào ban đêm, sáng sớm. Phòng bệnh sốt siêu vi: Cũng tương tự như các bệnh trên, khi trẻ có sốt kéo dài đến ngày thứ hai phải nhập viện sớm để theo dõi điều trị. Nhiều khả năng trẻ SXH trong mùa dịch.
GIA MINH