“Y đức không ở đâu xa mà nó thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh”. Đó là nhận thức và phương châm làm việc của bác sĩ Châu Khắc Toàn, hiện đang công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.
Bác sĩ Châu Khắc Toàn đang điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: T.THỦY
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Huế năm 1990, bác sĩ Châu Khắc Toàn về công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Đối tượng bệnh nhân chữa trị của khoa hầu hết là những bệnh nhân nặng, nguy kịch, giữa sự sống và cái chết kề nhau trong gang tấc. Để nâng cao năng lực và trình độ, bác sĩ Toàn đã cố gắng học hỏi từ đồng nghiệp, sưu tầm tài liệu để trau dồi thêm kiến thức về y học hiện đại.
Làm việc ở khoa Hồi sức cấp cứu, một khoa được ví là “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân tại khoa, anh cùng đồng nghiệp phải hợp tác với các khoa khác trong bệnh viện và các đơn vị tuyến trước khi cần thiết. Bác sĩ Toàn bộc bạch: “Bất kỳ công việc gì cũng cần có đạo đức, nhưng với riêng ngành Y, vấn đề này là đặc biệt quan trọng bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Lúc nào tôi cũng tâm niệm: “Là người thầy thuốc, khi tiếp xúc với bệnh nhân phải có thái độ niềm nở, tận tình, tạo niềm tin với bệnh nhân, giải thích tình trạng bệnh để người nhà và bệnh nhân yên tâm phối hợp cùng điều trị. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán chính xác, không rời bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ để sẵn sàng xử lý kịp thời những trường hợp xấu có thể xảy ra với bệnh nhân”.
Trực tiếp cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bác sĩ Châu Khắc Toàn cùng đồng nghiệp luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Do vậy, bên cạnh cái tâm của người thầy thuốc, còn cần phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Hiện nay, anh có thể đọc và hiểu các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh, thường xuyên cập nhật những tiến bộ y học để áp dụng vào thực tế. Với lòng yêu nghề và tinh thần ham học hỏi, thao tác cấp cứu nhanh gọn, anh không quản ngày đêm theo dõi sát người bệnh. Quan điểm của anh là “còn nước còn tát”, do vậy, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tưởng chừng như khó tránh khỏi cái chết, đã được anh và đồng nghiệp cứu sống. Trong các đợt dịch sốt xuất huyết và dịch cúm A (H1N1), anh và các đồng nghiệp trong khoa đã cố gắng hết mức để hạn chế bệnh nhân tử vong.
Nhiều bệnh nhân đến với khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đều hài lòng với sự chăm sóc và điều trị của các bác sĩ ở đây. Bà Lê Thị Ngọ ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), một bệnh nhân đang điều trị tại khoa, cho biết: “Trong thời gian điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, tôi được bác sĩ Toàn theo dõi và điều trị. Sự quan tâm chăm sóc cũng như thái độ ân cần như người nhà của bác sĩ Toàn đã tạo cho tôi cảm giác an tâm điều trị bệnh”.
Hình ảnh bác sĩ Toàn tận tụy với bệnh nhân đã tạo ấn tượng tốt trong các đồng nghiệp. Bác sĩ Bùi Trần Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhận xét: “Bác sĩ Toàn là tấm gương điển hình tại bệnh viện. Anh sống gần gũi với đồng nghiệp và luôn quan tâm, giúp đỡ những đồng nghiệp trẻ mới về công tác. Trong công việc, anh luôn có tinh thần thái độ chăm lo cho người bệnh, là một cán bộ năng nổ của Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.
Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Toàn còn tham gia ban chấp hành Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh luôn gần gũi, động viên các đoàn viên và tham gia tích cực các hoạt động phong trào. Vì vậy, Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên luôn dẫn đầu trong các hoạt động do Công đoàn ngành Y tế Phú Yên tổ chức.
Khiêm tốn, cầu tiến, hết lòng hết sức tận tâm với nghề và tận tình với bệnh nhân, bác sĩ Châu Khắc Toàn là một tấm gương tiêu biểu được đồng nghiệp và mọi người trân trọng. Năm 2009, anh được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Ngoài ra, anh còn nhận được nhiều bằng khen Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh; đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh lần thứ 3.
NGỌC HÂN