Học sinh Trường Phổ thông cấp 2, 3 Võ Thị Sáu đến với “Tủ sách biên phòng” |
Nắm bắt tình hình địa bàn và quyết tâm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển phụ trách, nhiều năm qua, các tổ công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng 348 đã tỏa về các địa bàn, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc củng cố kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; tham gia xây dựng các quy ước, hương ước trong thôn, xóm; tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa sôi nổi tại cộng đồng. Những việc làm trên đã phần nào tác động vào nhận thức, giúp người dân xóa bỏ dần thói quen, nếp sống lạc hậu, tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt vùng nông thôn ven biển thuộc địa bàn đơn vị phụ trách.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình làm ăn, khai thác thủy sản, khá nhiều ngư dân còn lúng túng, chưa nắm bắt thông tin về các chủ trương chính sách, các quy chế khu vực biên phòng cũng như những vấn đề về biên giới quốc gia, về chủ quyền lãnh thổ, xác định giới hạn các vùng biển. “Điều đó đã gây khó khăn và tác động, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm ăn trên biển của ngư dân, thậm chí có khi còn ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao với các nước lân cận. Bên cạnh đó, do không nắm bắt các quy định, quy chế về luật biển, khi gặp tàu nước ngoài, bà con có thể cập mạn, sang hàng lậu. Khi phát hiện những hành vi xâm phạm vùng biển của đất nước, ngư dân lại không biết khai báo cho lực lượng chức năng để giải quyết, xử lý” - trung tá Lê Vàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng 348 cho biết.
Trăn trở đó cũng là khởi nguồn để cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng 348 đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình “Tủ sách biên phòng” tại Trường Phổ thông cấp 2, 3 Võ Thị Sáu và được ban giám hiệu trường nhiệt tình ủng hộ. Cơ sở vật chất ban đầu của mô hình này là một tủ sách với hơn 80 đầu sách, gồm các loại sách nghiên cứu, tham khảo, giới thiệu về biên giới quốc gia, giới hạn các vùng biển, Luật Biên giới quốc gia, nghị định của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển và các hiệp định, hiệp nghị của nhà nước ta với các nước láng giềng có chung đường biên giới, vùng biển…
Để duy trì hoạt động của “Tủ sách biên phòng”, Đồn Biên phòng 348 và Trường Võ Thị Sáu đã thành lập ban quản lý tủ sách gồm 7 người, có nhiệm vụ quản lý, sưu tầm, bổ sung sách, từng bước nâng cao giá trị của tủ sách và duy trì hoạt động đạt hiệu quả. Mỗi tháng ban điều hành còn tổ chức luân chuyển, trao đổi hàng chục đầu sách với thư viện huyện Tuy An và thư viện Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh để phong phú thêm nguồn sách, tạo sự hấp dẫn, thu hút cán bộ giáo viên và học sinh trong trường. Võ Thị Tú Trinh, học sinh lớp 12 A Trường Phổ thông cấp 2, 3 Võ Thị Sáu tâm sự: “Đối với em cũng như nhiều bạn học sinh cùng lứa tuổi, cụm từ “biển đảo của Tổ quốc” thật thân thương. Đọc sách, tuổi trẻ chúng em càng cảm nhận được điều thiêng liêng ấy, càng cảm kích những người lính ngày đêm bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc. Em cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia tuyên truyền vận động mọi người cùng gìn giữ, bảo vệ vùng biển”.
VĂN VÂN