Làm thế nào để cải thiện đời sống của phụ nữ nghèo ở vùng nông thôn, miền núi? Đó là điều mà các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trăn trở từ nhiều năm nay. Vì thế, bên cạnh việc tích cực khai thác các nguồn vốn từ ngân hàng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phú Yên không ngừng đẩy mạnh phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nhiều phụ nữ có vốn để đầu tư sản xuất - Ảnh: N.DUNG |
Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Chị Phượng vừa phải chăm lo cho hai con ăn học, vừa phải chạy vạy lo thuốc thang cho chồng, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị, Hội LHPN xã Sơn Long đã tạo điều kiện cho chị vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ số tiền này, chị trích ra một phần để chữa bệnh cho chồng, phần còn lại dùng để mua một con bò cái về nuôi. Sau ba năm, chị không những trả được tiền gốc lẫn lãi mà còn cất được nhà. Chị Phượng bày tỏ: “Không có sự giúp đỡ của các chị ở xã Sơn Long, gia đình tôi không thể thoát nghèo như hôm nay”.
Chị Huỳnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Long cho biết: Thời gian đầu Hội, đứng ra tín chấp cho 100 phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay 10 triệu đồng/chị từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò sinh sản. Không chỉ có chị Phượng mà nhiều phụ nữ khác trong xã sau khi vay vốn làm ăn, đời sống khấm khá hơn. Đến nay, toàn xã có 212 chị vay nguồn vốn này để phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ đẩy mạnh công tác liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội để đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với phụ nữ nghèo, Hội LHPN xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) còn đặc biệt quan tâm đến phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Thái Thị Chính, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Kiến cho biết: Hiện nay, đời sống của chị em còn nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong những chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội luôn chú trọng huy động nguồn vốn sẵn có trong chị em dưới hình thức tín dụng tiết kiệm để chủ động vốn tại chỗ. Mức đóng góp có thể từ 2.000- 20.000 đồng/người hoặc nhiều hơn, tùy theo quy định mỗi nhóm. Sau đó, xét hoàn cảnh gia đình chị nào khó hơn sẽ ưu tiên cho chị đó mượn trước. Số tiền không lớn, nhưng giúp chị em vượt qua lúc túng quẫn, mà không sợ rơi vào cảnh vay nặng lãi. Ngoài ra, chị nào có lúa giống, heo giống thì cho chị thiếu mượn rồi trả tiền sau. Đến nay, 5 chi hội đã vận động thành lập 25 nhóm phụ nữ tiết kiệm với tổng số tiền trên 35 triệu đồng giúp cho 35 chị mượn xoay vòng không tính lãi. Ngoài ra, Hội cũng đã vận động 68 chị có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ 72 chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với số tiền 75 triệu đồng, 37 con heo giống, 25 chỉ vàng y. Không chỉ giúp nhau bằng vật chất, Hội còn phát động phong trào vần đổi ngày công lao động trong hội viên phụ nữ. Phong trào này không những tiết kiệm chi phí trong lao động sản xuất mà còn thắt chặt thêm tình cảm cũng như mối quan hệ tình làng nghĩa xóm giữa các chị em.
Phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình cũng được đông đảo phụ nữ trong thôn Phú Thạnh (xã Hòa Quang
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Thạnh Nguyễn Thị Hòa Tâm phấn khởi: Từ những việc làm cụ thể thiết thực này, cuối năm 2009, chi hội đã có 7 hộ phụ nữ thoát nghèo.
Nói về phong trào này, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An cho biết: Hiện nay, đời sống phụ nữ còn nhiều khó khăn, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu. Nhu cầu vay vốn để cải thiện kinh tế gia đình của chị em rất lớn. Vì thế, chủ trương của Hội không chỉ khai thác các nguồn vốn vay, phối hợp với các ngành mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, mà còn đẩy mạnh phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái, vận động chị em đoàn kết tương trợ lẫn nhau để cùng thoát nghèo.
THỦY VĂN