Làm thế nào để nâng cao y đức ngành y thông qua giao tiếp? Giao tiếp như thế nào với người bệnh để đem lại hiệu quả chữa bệnh cao nhất ?... Xung quanh những vấn đề này Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Công Thành, chuyên gia phát triển đào tạo, giáo dục và môi trường tại Việt Nam vừa được Bệnh viện Đa Khoa Phú Yên mời giảng về các vấn đề giao tiếp cho tập thể cán bộ, y bác sĩ.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chăm sóc bệnh nhân bệnh thận. - Ảnh: T.THẢO |
* Thưa giáo sư, vì sao kỹ năng giao tiếp quan trọng đối với các bác sĩ, y tá và những người làm việc trong ngành y?
-Trước hết, phải hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp là quá trình tương tác hai chiều, thông tin, suy nghĩ, cảm xúc được chuyển tải từ người gởi đến người nhận và ngược lại sao cho người nhận hiểu đúng ý người gởi. Trạng thái giao tiếp của người bác sĩ, y tá thể hiện qua việc giao tiếp không lời và bằng lời. Cụ thể, giao tiếp không lời không gì bằng một nụ cười cho người đối diện, luôn hướng ánh mắt vào người nghe. Bên cạnh đó, phong cách ăn mặc rất quan trọng để người bệnh thấy bạn đang tôn trọng họ. Những cái bắt tay thân mật, ấm áp, những câu động viên thiện chí… sẽ rất hiệu quả trong việc khích lệ tinh thần người bệnh và họ sẽ nhanh chóng bình phục.
Giao tiếp tốt là yếu tố không thể thiếu đối với ngành y. Giao tiếp tốt giữa bác sĩ, y tá và bệnh nhân là vô cùng cần thiết trong mỗi ca khám bệnh. Như vậy, người bệnh vừa nhanh khỏi mà bản thân người làm công tác này cũng sẽ rất vui vì mình vừa cứu được một người thoát khỏi cái chết. Tuy nhiên, thực tế có những nguyên nhân dẫn đến giao tiếp kém giữa bác sĩ, y tá mà chúng ta cần khắc phục. Đó là, người bệnh không có nhiều cơ hội gặp bác sĩ, y tá, bệnh nhân có tâm lý sợ bác sĩ, y tá và bác sĩ, y tá thiếu sự động viên, an ủi người bệnh trong công tác điều trị…
* Thế nào là một bác sĩ, y tá biết giao tiếp tốt, thưa giáo sư ?
- Giao tiếp hiệu quả giữa bác sĩ, y tá với bệnh nhân được xây dựng trên hai yếu tố là tôn trọng lẫn nhau và khả năng đáp ứng nguyện vọng cho người bệnh. Thái độ tôn trọng bệnh nhân sẽ giúp bệnh nhân giãi bày được tình trạng bệnh của mình, bác sĩ sẽ có thông tin rõ ràng để đưa ra những quyết định chữa trị nhanh chóng, phù hợp và y tá chăm sóc người bệnh tốt hơn. Chia sẻ với bệnh nhân để bệnh nhân hiểu cặn kẽ bằng việc luôn giải thích và hướng dẫn chu đáo, đặc biệt là những từ ngữ chuyên môn bác sĩ quen dùng mà bệnh nhân ít khi biết đến. Đồng thời, hiểu được nguyện vọng của người bệnh để đáp ứng phù hợp thông qua việc giúp bệnh nhân hiểu rõ căn bệnh của mình, đưa ra những thông tin chính xác về tiến trình điều trị bệnh tiếp theo để bệnh nhân tự tin, chủ động và không hoang mang trong quá trình điều trị. Đặc biệt, một bác sĩ, y tá tận tình sẽ không ngắt lời hay áp đặt bệnh nhân mà phải luôn lắng nghe một cách cẩn thận…
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải biết giao tiếp tốt thì mới có thể nâng cao được hiệu quả trong việc khám chữa bệnh. Cụ thể, bệnh nhân phải nhận thức được thời gian của bác sĩ, y tá là có hạn, nên phải chuẩn bị trước những câu hỏi sao cho có được câu trả lời chính xác nhất. Biết hỏi bác sĩ những từ ngữ mà mình không hiểu và lịch sự trong việc trình bày những triệu chứng bệnh…
* Vậy làm thế nào để người bệnh có niềm tin ở đội ngũ bác sĩ, y tá khi đến bệnh viện, thưa giáo sư ?
- Người bệnh một khi đến bệnh viện ai cũng mong muốn chẩn đoán đúng bệnh và được chăm sóc tận tình. Lúc ấy, ngoài việc người bác sĩ có chuyên môn cao, hệ thống trang thiết bị hiện đại thì người làm nghề y phải có cái tâm sáng, hết lòng vì người bệnh, luôn có ý thức rèn luyện tay nghề và biết cách giao tiếp đúng cách với người bệnh, đồng thời phải giải thích và tư vấn rõ ràng cho người nhà bệnh nhân về nhu cầu muốn chuyển viện lên tuyến trên.
Nếu lãnh đạo quan tâm mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử cho nhân viên y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh thì thái độ phục vụ sẽ được nâng lên. Song mọi người cũng nên thông cảm cho ngành “làm dâu trăm họ” này bởi đặc điểm của ngành y tế là phục vụ người bệnh mà người bệnh thì rất nhạy cảm. Ví dụ, tôi có thể nói nặng với người khác có khi chẳng vấn đề gì nhưng với bệnh nhân thì lại dễ làm họ tổn thương hoặc có cảm giác như mình bị hắt hủi. Do đó, nâng cao y đức trong ngành y phải chú ý đến giao tiếp là vậy.
PHẠM THÙY (thực hiện)