Phú Yên hiện có 163.954ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên 126.059ha, rừng trồng 37.895ha. Tình trạng cháy rừng diễn biến hết sức phức tạp, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra 11 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 264ha rừng các loại. Qua đó cho thấy công tác phòng chống cháy rừng còn bộc lộ nhiều bất cập.
Phát rừng làm rẫy ở huyện Sông Hinh - Ảnh: P.NAM
Vụ cháy 250ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 50, 52 thuộc địa bàn xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên từ trước đến nay. Điều đáng nói là vụ cháy này xảy ra khoảng 8 giờ 30 phút ngày 7/4, nhưng đến chiều tối 8/4 đám cháy mới được khống chế. Theo ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân khi xảy ra cháy có lực lượng tại chỗ phát hiện, đã kịp thời báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền xã Phú Mỡ, đồng thời huy động lực lượng tham gia chữa cháy, nhưng không thể khống chế được đám cháy, bởi địa điểm cháy cách xa khu dân cư, địa hình lại hiểm trở, khi lực lượng tham gia chữa cháy có mặt tại hiện trường thì đám cháy đã lan rộng, không thể tiếp cận được đám cháy. Phương tiện chữa cháy thủ công, chỉ có rựa và cành nhánh cây để dập lửa là chính, nên việc chữa cháy không đem lại hiệu quả. Thậm chí lực lượng chữa cháy đến nơi, thấy cháy lớn phải tìm chỗ thoát thân, tránh hiểm.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, ngay từ đầu năm đã củng cố, kiện toàn 91 ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng từ cấp huyện đến xã; củng cố 266 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời đầu tư trên 1,7 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng cho các đơn vị ở cơ sở. Xây dựng hoàn chỉnh bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho công tác đầu tư các hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy rừng, triển khai các phương án ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại một số đơn vị kiểm lâm trực thuộc, các chủ rừng, qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại… Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, năm 2008 tỉnh Phú Yên đã phê duyệt “Dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2007 -2010” với tổng nguồn kinh phí 6,8 tỉ đồng, tuy nhiên việc giải ngân chậm (trong hai năm 2009 và 2010 chỉ giải ngân 4 tỉ đồng).
Mặc dù có sự chủ động như vậy, thế nhưng thực tế tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra trên diện rộng trên địa bàn Phú Yên, diện tích rừng bị cháy tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 264ha, trong đó Sơn Hòa là địa phương có số vụ cháy rừng nhiều nhất với 5 vụ làm thiệt hại 12,17ha; huyện Sông Hinh xảy ra hai vụ, thiệt hại 13,7ha; huyện Đồng Xuân xảy ra hai vụ, thiệt hại 233,8ha; huyện Phú Hòa xảy ra một vụ, thiệt hại 4,16ha; Ban quản lý Rừng đặc dụng Đèo Cả (huyện Đông Hòa) xảy ra một vụ, thiệt hại gần 1ha… Điều đáng nói là số diện tích rừng bị cháy thuộc khu vực dự báo cấp độ cháy cao, cần được cảnh báo, bảo vệ nghiêm ngặt; loại rừng bị cháy là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng trồng sản xuất.
Trên diện tích đất trống đồi núi trọc, thực bì chủ yếu là cỏ tranh, cây bụi và một số ít cây thân gỗ mọc rải rác gần các khu dân cư. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, diện tích đất sản xuất của họ nằm gần hoặc ven bìa rừng, nhất là nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi thu hoạch vụ mùa cũng là thời điểm nắng nóng, bà con đốt thực bì vệ sinh rẫy. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Bên cạnh đó, nạn phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép cùng với các hoạt động tự phát như thu, hái lâm sản, lấy mật ong, đốt than… cũng là những nguyên nhân gây cháy rừng vào mùa khô. Dù đã chủ động và xay dựng “kịch bản” phòng chống cháy rừng, song nguy cơ cháy rừng luôn rình rập, rất cần sự chung tay của cộng đồng.
PHƯƠNG