Trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm hầu như không biết cách tự bảo vệ mình. Do đó, rèn luyện, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em là một mục tiêu mà ngành chức năng đang quan tâm.
Truyền thông, hướng dẫn trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình - Ảnh: THÙY THẢO
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG
Cuộc sống hiện đại tất bật với nhiều lo toan, rất nhiều bậc cha mẹ không có thời gian chăm sóc, quan tâm nhiều đến con cái, ngay cả trong những ngày nghỉ. Vấn đề đặt ra là khi các em ở nhà một mình, các em làm gì, chơi gì, tiếp xúc với ai? Còn ở những gia đình khó khăn, các em lại càng không được chú ý; có khi các em còn phải bươn chải kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Đây là điều thiệt thòi và vô cùng nguy hiểm, bởi khi gặp những tình huống bất thường, các em sẽ không biết xử lý như thế nào và khi đối mặt với những mối đe dọa, các em không thể tự bảo vệ mình. Do đó, không ít trẻ bị xâm hại hoặc trở nên bạo ngược, hung hăng khi bị người xấu lôi kéo.
Thông qua các lớp tập huấn, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên và các Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện thị, thành phố giúp các em nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình. Ở đây, các em được truyền đạt, hướng dẫn những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, biết quan tâm, gây thiện cảm với mọi người, biết ứng xử khi giao tiếp. Đặc biệt, các em biết cách xử trí khi gặp khó khăn, sơ cứu khi gặp nạn, biết các đường dây nóng để gọi khi cần giúp đỡ khẩn cấp…
Sau nhiều lần sinh hoạt nhóm, được truyền thông, các em đã mạnh dạn, tự tin hơn, biết tự phục vụ bản thân, gia đình. Qua lớp tập huấn, các em còn bày tỏ nguyện vọng học tập, được hỗ trợ, tư vấn theo sở thích, nhu cầu. Em Đặng Khánh Ly (xã Hòa Quang
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ chuyên trách trẻ em xã Hòa Xuân Tây, cho biết: Tuy số tiền hỗ trợ các em không nhiều nhưng qua những lớp như thế, các em có thể vui chơi, hòa nhập cộng đồng, không cảm thấy tự ti, mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình. Các em sẽ được hỗ trợ dụng cụ học tập, cấp thẻ bảo hiểm và gia đình các em được vay vốn sản xuất tăng thu nhập. Điều quan trọng nhất là các em hứa không lang thang trở lại.
MỘT CÁCH TRUYỀN THÔNG HIỆU QUẢ
Lâu nay, công tác truyền thông chủ yếu chú trọng việc tác động đến gia đình các em, từ đó gia đình có những biện pháp giúp con em mình được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Tuy nhiên, để giúp trẻ sống tốt, cần phải tác động chính các em. Chương trình truyền thông nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình thông qua các lớp tập huấn đã phát huy và đem lại hiệu quả thiết thực.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, cán bộ chuyên trách trẻ em xã Hòa Quang Bắc huyện Phú Hòa, cho biết: “Khi tác động trực tiếp, các em sẽ nhận ra được những tác hại của việc lang thang kiếm sống, việc bị người khác xâm hại hoặc làm những công việc nặng nhọc nguy hiểm, có thể để lại những hậu quả không lường. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ vật chất thì công tác truyền thông nâng cao kỹ năng cho các em là rất quan trọng”.
Em Nguyễn Thị Thu Thúy (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) tâm sự: “Nhà có 5 anh em thì 3 anh em đi lang thang kiếm sống vì ba theo người khác, mẹ không nuôi nổi. Cháu may mắn hơn các anh, được tham gia lớp tập huấn. Cháu không đi lang thang nữa mà cố gắng học thật giỏi và khuyên các anh về để các cô chú cho đi học nghề. Bây giờ, cả năm anh chị em cháu được đi học, sống bên nhau”.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, nhấn mạnh: “Những chương trình thế này là cầu nối giữa xã hội, cộng đồng với trẻ em, giúp các em hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của trẻ đối với gia đình và trường học. Các em hiểu những nguy cơ, hiểm họa sẽ gặp khi lang thang kiếm sống và biết bảo vệ mình khi có những điều bất trắc xảy ra hoặc khi không có người lớn giúp đỡ. Chúng tôi sẽ duy trì chương trình này qua các năm, nhất là vào các tháng cao điểm hành động vì trẻ em”.
THÙY THẢO