Dân số tăng nhanh, nhu cầu khám chữa bệnh cũng tăng lên kéo theo đó là rác thải y tế nguy hại nếu không được quản lý tốt sẽ tác động đến môi trường sinh thái trong cả ba hệ: khí, nước và đất. Đã đến lúc cần có kế hoạch quản lý, xử lý loại rác thải này đúng quy định của pháp luật.
Phẫu thuật sẽ thải ra nhiều chất thải nguy hại - Ảnh: N.T
CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Phú Yên hiện có 141 cơ sở y tế, với 1.370 giường bệnh. Qua khảo sát tại 14 bệnh viện, trung tâm chuyên khoa thuộc tuyến tỉnh và tuyến huyện, lượng rác thải rắn phát sinh ra khoảng 970 kg/ngày, trong đó chất thải nguy hại 246,5 kg/ngày, chiếm 25,4%. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, mỗi năm trung bình một giường bệnh thải ra khoảng 1,05 tấn rác thải. Theo cách tính này, thì lượng rác thải y tế ở Phú Yên khoảng 1.438 tấn/năm và dự báo sẽ tăng lên khoảng 2.500 tấn/năm vào năm 2020. Toàn bộ lượng chất thải này đều được coi là chất thải nguy hại bởi đặc tính dễ lây nhiễm, bao gồm bông băng, vải, mô bệnh phẩm, mô phẫu thuật, xi lanh, kim tiêm, dây truyền dịch, truyền máu… Bên cạnh đó tại các bệnh viện có khả năng ô nhiễm phóng xạ từ các khu xạ trị, chụp X-quang, Scanner… có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh nếu như không có biện pháp bảo vệ thích hợp.
Để quản lý loại chất thải tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại này, ngay từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 155 về quy chế quản lý chất thải nguy hại, trong đó có rác thải y tế. Khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2005 có hiệu lực thi hành, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 23/2006 về ban hành danh mục chất thải nguy hại. Thế nhưng, đến thời điểm này công tác quản lý chất thải nguy hại, trong đó có chất thải y tế ở cơ sở vẫn chưa tốt. Nhiều nơi xảy ra hiện tượng bán chất thải y tế cho các cơ sở tái chế. Theo Sở Y tế Phú Yên, sau khi có Quyết định số 43/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về quy chế quản lý chất thải y tế, ngành đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị y tế trong tỉnh để triển khai thực hiện. Từ đó công tác xử lý chất thải được theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn; chưa phát hiện tình trạng chất thải y tế đưa ra ngoài. Tuy nhiên công tác quản lý thu gom chất thải y tế còn gặp nhiều trở ngại, mỗi đơn vị áp dụng việc xử lý một khác, nhất là các đơn vị đóng trên địa bàn vùng nông thôn. Nhiều cơ sở y tế quản lý chất thải còn bất cập, các loại chất thải (nguy hại, sinh hoạt, mô cơ thể. . .) đều bỏ chung một hố chờ khi đầy mới đem đi chôn lấp hoặc đốt; hố rác thì không có rào chắn, không có mái che ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường bệnh viện.
CẦN THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Theo ngành Y tế Phú Yên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí để xây dựng lò đốt chất thải tại các cơ sở y tế. Hiện tại chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền và Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa được trang bị lò đốt tầng sôi để xử lý rác y tế, các bệnh viện khác có lò đốt thủ công với độ an toàn thấp, nguy cơ ô nhiễm cao, khó kiểm soát. Hiện nay ngành Y tế đang cố gắng tăng nguồn đầu tư phấn đấu đến năm 2012, các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh và tuyến huyện có lò đốt chất thải rắn đạt tiêu chuẩn.
Trong khi đó, chiến lược bảo vệ môi trường của Phú Yên đặt ra đến 2010, thu gom phân loại và xử lý 100% rác thải y tế đô thị và hơn 90% rác thải y tế nông thôn. Giai đoạn từ 2010 - 2015, đảm bảo xử lý an toàn và có kiểm soát rác thải ô nhiễm trong quá trình xử lý và thu gom, xử lý 100% rác thải y tế cho các cơ sở địa phương và giai đoạn 2015- 2025, toàn bộ chất thải y tế trên địa bàn tỉnh phải được thu gom và xử lý an toàn, có kiểm soát ô nhiễm không khí. Thế nhưng, trên thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nguy cơ tiềm ẩn chất thải y tế vẫn còn là nỗi lo lâu dài. Bà Nguyễn Thị Thanh Vy, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên) cho biết, rác thải y tế thuộc loại chất thải nguy hại mà các cấp, các ngành chưa tìm ra giải pháp xử lý thích hợp. Nguyên nhân là do tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều chưa có đơn vị chuyên vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại. Trong đó, chi phí chuyển giao chất thải nguy hại cho các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý, tiêu hủy ngoài tỉnh lại rất cao, nên nhiều đơn vị còn lúng túng, không có ý thức trong việc xử lý chất thải nguy hại. Bà Vy cho rằng, trong điều kiện hiện nay, trong khi tiếp tục đầu tư xây dựng lò đốt chất thải y tế đạt tiêu chuẩn tại các bệnh viện, ngành Y tế cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, như tuyên truyền vận động ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong các cơ sở khám chữa bệnh; phân loại chất thải y tế tại nguồn (chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại); xóa bỏ hoàn toàn cách xử lý không an toàn (bỏ rác thải y tế ở các bãi rác hở), không để rác thải nguy hại tồn đọng tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác thanh tra và kiểm soát chặt chẽ hoạt động tái chế chất thải y tế.
NGUYÊN TRƯỜNG