Thứ Sáu, 29/11/2024 07:57 SA
Người không đầu hàng số phận
Chủ Nhật, 23/07/2006 08:40 SA

Cuộc đời của mỗi người đôi khi có những khúc quanh khổ ải nhọc nhằn. Điều quan trọng là người ta không được nản lòng, không được bi quan, mà phải không ngừng tiến về phía trước. Đó là điều mà tôi nhận ra khi tiếp xúc với người đàn ông tật nguyền giàu nghị lực này.

 

SỐ PHẬN KHÔNG MAY

 

“Thôi, cái đận ấy khổ lắm. Ngồi mà kể lại thì làm sao kể hết. Cái số của mỗi người mỗi khác, trời kêu ai nấy dạ mà. Mình không được như người ta thì phải cố thôi”- ông Hưng cười, nụ cười nhẹ nhõm lên trên gương mặt ngăm đen đầy những nếp nhăn khắc khổ. “Sống là phải không ngừng vươn lên, không ngừng phấn đấu”- đó là kinh nghiệm mà người đàn ông tật nguyền Nguyễn Ngọc Hưng ở thôn Thọ Vức, xã Hoà Kiến, TP Tuy Hoà tự đúc rút trong những tháng ngày vật lộn với số phận không may của mình.

 

060723-hung.jpg

Ông Hưng cuốc đất trong vườn nhà - Ảnh: Ngọc Dung

 

Sinh ra trong gia đình nghèo, lúc 3 tuổi lại bị sốt làm bại liệt rút gân chân, ba mẹ cõng đi chạy chữa nhiều nơi như không tiến triển, ông Hưng phải “đi” bằng hai đầu gối suốt 12 năm trời. Khi những đứa trẻ trong thôn chơi bắn bi, thả diều thì ông  chỉ biết ngồi nhìn theo và buồn.  Ba mẹ nhìn đôi chân ông mà nghe lòng quặn thắt.  Tưởng như cuộc đời mình sẽ vĩnh viễn sống nhờ đôi chân của người khác, nhưng may mắn là nhờ một tổ chức nhân đạo ngày đó, ông được đưa đi phẫu  thuật ở Trung tâm phẫu thuật chỉnh hình Qui Nhơn. Những niềm hy vọng loé lên  trong ông và người thân. Năm 15 tuổi, ông mới đứng dậy lê từng bước đi khó nhọc bên đôi nạng. Những bước chân quệt dài xuống đất, kéo lê lết trong những ngày đầu tập tễnh đau nhói cho ông cảm nhận được sự sống dần hồi sinh trên đôi chân mình. Ông kể: “Ngày nào tui cũng tập đi, nắng cũng tập mà mưa cũng tập, gì chớ chuỵện ngã lăn quay xuống nền nhà là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhưng rồi nghĩ đến tương lai sau này mà tui nghiến răng gượng dậy”. Sự kiên trì tập luyện đã giúp ông dần dần tự đi được bằng đôi nạng gỗ. Đi được những bước đầu tiên ông mừng đến mất ngủ!

 

Trong cuộc sống, một số người lợi dụng tật nguyền để sống dựa vào lòng thương hại của người đời, còn ông thì không. Nhiều đêm ông nằm suy nghĩ: “Mình không thể sống dựa dẫm vào người khác, ba mẹ ngày một già yếu, anh chị em rồi cũng có gia đình riêng, mình phải cố tự thân vận động. Hai chân tuy bị tật nhưng mình vẫn còn hai tay khoẻ mạnh, hai mắt vẫn sáng, đầu óc mình vẫn tỉnh táo, mình chưa phải là đồ bỏ đi. Những người bất hạnh hơn mình vẫn sống được, tại sao mình lại không thể?”. Chính những suy nghĩ này đã giúp ông quyết tâm vượt qua số phận.

 

NGHỊ LỰC SỐNG

 

Ông tìm đến học nghề thợ mộc từ một người thợ đến hành nghề trong làng. Chỉ qua 3 tháng cần mẫn, chăm chỉ học việc, ông đã tự đóng được bàn, ghế trong nhà. Người ta thường bảo “Người có tật, có tài”, nhưng ông Hưng biết tất cả là do mình cố gắng, cố mà tạo lập được kế sinh nhai sau này. Đôi tay ông đã từng bị búa gõ đập rướm máu, còn hai mắt thì nổ đom đóm- chuyện đó chỉ mình ông biết.

 

15 năm làm nghề mộc ông không chỉ dừng lại ở việc đóng bàn ghế mà còn làm nhà ở khắp nơi, không chỉ trong xã mà còn đi làm nghề ở An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An). Người bình thường trèo lên trần nhà đã khó, ấy vậy mà ông một người bị liệt cả hai chân vẫn leo lên trần nhà “ngon lành”. Người ta lo lắng khi nhìn ông làm cái việc nguy hiểm đến tính mạng: “Coi chừng ông không cẳng chân mà leo lên trần nhà thì rớt đấy!”, nhưng ông vẫn cứ  trèo. “Thường thì cái khó nó ló cái khôn, mình luôn phải tìm mọi cách để khắc phục chớ, người ta chủ yếu leo bằng chân, còn “chân” của tôi là hai cánh tay khoẻ mạnh và phải biết cái thế leo của nó”-ông Hưng cười.

 

060723-hung1.jpg

Ông Hưng bên cô con gái út - Ảnh: Ngọc Dung

Ngồi nói chuyện với ông, tôi không nghĩ ông là một người bị tật nguyền, bởi những suy nghĩ  đầy sự lạc quan trong ông. Ông cười khề khà: “Không lạc quan có mà “toi” luôn, một người như tui thì càng cần phải lạc quan để mà sống chớ”. Chính nhờ lối nghĩ này mà 22 năm sống cùng chị Vân và các con, ông luôn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình vượt qua rất nhiều chặng “khổ ải”. Đó là giai đoạn 1987-1989, lúc đó HTX làm ruộng theo diện tính công điểm, còn ông bị tật nên không làm được. Vợ ông lại là người mồ côi, thất lạc đến xã Hoà Kiến, không hộ khẩu không được chia ruộng. Cả nhà sống dựa vào 80 ký lúa cứu tế của xã dành cho người khuyết tật là ông. Đó là thời gian cả nhà không có mảnh đất cắm dùi. Đi làm thợ thì phải tới 3-5 ngày sau chủ nhà mới trả tiền công. Vì thế, vợ chồng ông phải lên núi Đất Cày đào từng củ khoai về bán để đong gạo hàng ngày. Ông nói: Nhờ sau này có Nghị định 64 chia ruộng lại, nên cả nhà tui được gần 5 sào ruộng khoán. Cũng nhờ đó mà kinh tế gia đình gầy dựng được như hôm nay. Bây giờ, mọi việc trong nhà tui “vẽ đường”, còn bả và mấy đứa nhỏ làm. Tụi nhỏ lớn hết rồi nên cũng đã đỡ đần chuyện đồng áng nặng nhọc. Tụi nhỏ đứa nào cũng biết cái chữ, có đứa cũng đã đi học nghề. Vợ chồng tui nghĩ, nhà có khó cách mấy cũng phải lo cho tụi nhỏ biết cái chữ để sống cho đàng hoàng. Hồi đó, tui không tự tới trường được, nhưng nhờ đứa em trong nhà cõng đi mà theo học được đến lớp 7, nên cuộc sống của tui cũng dễ dàng hơn. Cũng nhờ có cái chữ mà tui từng làm cái chưn thủ kho cho HTX Nông nghiệp Hoà Kiến 2 những năm 1980-1982. 

 

Trải qua nhiều khốn khó trong cuộc đời, bây giờ ông Hưng thấy cuộc sống gia đình mình cũng tạm ổn, một ngôi nhà ngói vững chắc, trong nhà có được 7 con bò và một cái cộ. Vợ chồng, con cái khoẻ mạnh, đứa nào cũng biết được cái chữ. Còn đôi chân của ông giờ cũng ổn, nhờ năm 2003 được Uỷ ban Quốc tế Chữ thập đỏ hỗ trợ cho một chiếc xe lăn trị giá gần 1,2 triệu đồng, nên việc đi lại của ông thuận tiện hơn nhiều. Còn đôi chân thật sự mà suốt cả đời ông luôn biết ơn nó, đó là tình thương của ông với vợ và 5 đứa con của ông, là sự giúp đỡ của những chính sách xã hội dành cho người khuyết tật như ông. Đôi chân này đã giúp ông tự tin đi trong cuộc đời này .

 

Cuộc đời của mỗi người đôi khi có những khúc quanh khổ ải nhọc nhằn. Điều quan trọng là người ta không được nản lòng, không được bi quan, mà phải luôn tiến về phía trước. Đó là điều mà tôi nhận ra khi tiếp xúc với người đàn ông tật nguyền giàu nghị lực này. Người mà mọi người trong xã Hoà Kiến nhìn đầy thán phục: “Ông Hưng bị tật mà còn giỏi hơn người bình thường nữa đó chớ”.

 

DUYÊN HẢI

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đẫm mồ hôi ở công sự trận địa
Thứ Sáu, 21/07/2006 07:52 SA
Hỗ trợ 800 tấn gạo cho hộ nghèo
Thứ Sáu, 21/07/2006 07:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek