Thứ Sáu, 04/10/2024 14:34 CH
Áp dụng cơ chế một cửa thế nào hợp lý?
Thứ Năm, 13/05/2010 11:00 SA

Ngày 4/9/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, nhằm quy định quy trình giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương (từ tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả lại kết quả thông qua một đầu mối là “bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”.

 

tiep-dan-phuong-100513.jpg

Thực hiện cơ chế “một cửa” tại phường 4 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.CHI

 

Quá trình thực hiện đã tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính với tổ chức, công dân; giảm phiền hà và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải hiểu về cơ chế một cửa để thực hiện cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật và sát tình hình thực tế.

 

Theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 181 thì: “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các sở, ban cấp tỉnh đặt tại Phòng hành chính tổng hợp, chịu sự quản lý của Phòng hành chính tổng hợp”. Quy định như trên không phù hợp và khó áp dụng trong thực tế. Trước hết, tại một số đơn vị cấp sở, việc giải quyết các yêu cầu công việc của công dân, tổ chức hầu như do các phòng chuyên môn đảm nhận và trực tiếp tham mưu lãnh đạo sở giải quyết, văn phòng sở (hay phòng hành chính tổng hợp) không mấy liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ nên rất khó khăn trong việc thực hiện. Thứ nữa là theo quyết định này thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp sở chịu sự quản lý của văn phòng sở (hay phòng hành chính tổng hợp), vậy quản lý như thế nào, quản lý những gì, thì quy định còn thiếu cụ thể, chưa rõ ràng nên rất khó triển khai thực hiện.

 

Thực tế, về chuyên môn, nghiệp vụ thì lãnh đạo văn phòng sở không thể quản lý, hướng dẫn đối với cán bộ của các phòng chuyên môn khi họ tham gia giải quyết các yêu cầu của công dân thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Còn việc quản lý nhân sự tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng chưa hoàn toàn là nhiệm vụ của lãnh đạo văn phòng cấp sở. Thiết nghĩ, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này để thực hiện có hiệu quả và phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của các chức danh theo quy định. Vấn đề đặt ra hiện nay khi áp dụng cơ chế “một cửa” tại các đơn vị, đặc biệt là cấp sở, đó là nên thực hiện như thế nào cho phù hợp. Cụ thể là một đơn vị cấp sở nên thành lập một hay nhiều bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc đơn vị cấp sở? Hiện, không có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, thực tế một số đơn vị cấp sở đang rất khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế một cửa tại một nơi là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị như Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Công Thương... nếu chỉ triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở thì rất khó về nhân lực và cơ sở vật chất. Thực tế đối với hầu hết các đơn vị cấp sở, yêu cầu giải quyết công việc của công dân, tổ chức là rất lớn và được phân theo nhiệm vụ riêng của từng đơn vị nhỏ thuộc sở. Trong trường hợp gộp tất cả các nhiệm vụ, giải quyết công việc đó vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của đơn vị thì khó khăn trước hết là về con người- mỗi đơn vị có liên quan phải cử ít nhất 1 cán bộ, công chức đến làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để giải quyết công việc và hướng dẫn cho người dân. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng phải được nâng cấp cho phù hợp với số lượng cán bộ. Đó là chưa nói đến nguồn lực cán bộ để làm việc tại bộ phận này. Bởi, số lượng biên chế được giao cho các đơn vị cấp sở thấp nên rất khó khăn khi phải cử ít nhất một cán bộ trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở.

 

Thiết nghĩ, nên có những quy định cụ thể hơn về vấn đề trên, cũng có thể là quy định việc tiếp nhận và trả kết quả cho công dân, tổ chức tại các đơn vị nhỏ trong đơn vị cấp sở. Nói cách khác, tùy tình hình thực tế, các đơn vị cấp sở cũng có thể quy định thành lập nhiều bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các đơn vị nhỏ thuộc sở theo từng lĩnh vực, nhóm công việc khác nhau tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị nhỏ đó. Việc làm này không trái với quy định của pháp luật hiện hành mà còn tiết kiệm được thời gian, tận dụng được nhân lực.

 

VIỆT VŨ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek