Trẻ khuyết tật có thể phát hiện sớm, can thiệp phục hồi sớm, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng hay không có vai trò rất lớn của gia đình.
Cộng tác viên chương trình PHS-CTS tập PHCN cho trẻ em. - Ảnh: T.THẢO
Thạc sĩ Phạm Dũng, điều phối viên tổ chức Y tế Hà Lan tại Việt Nam đánh giá: Trong 2 năm triển khai dự án ở 9 xã thuộc 3 huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã phát hiện 60 TKT. Sau khi tiến hành can thiệp có 29 trẻ đã hòa nhập cộng đồng, điều đó, đã nói lên hiệu quả mà dự án mang lại. Thời gian đến, dự án tiếp tục thực hiện các hoạt động tăng cường thực hành và hỗ trợ can thiệp sớm cho TKT sau khi được phát hiện. Mỗi trẻ được can thiệp sẽ có kế hoạch can thiệp riêng cho đến khi phát triển bình thường. Ngoài ra, dự án cũng tiếp tục phối hợp với Sở GD - ĐT Phú Yên đẩy mạnh chương trình PHS-CTS ở Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) và hai trường mầm non bán công Hòa Quang Nam, Hòa An (huyện Phú Hòa) để thu hút nhiều TKT ra lớp.
Qua các nghiên cứu và đánh giá của các chuyên gia về phục hồi chức năng (PHCN) đối với trẻ khuyết tật (TKT) trong dự án “Phát hiện sớm - can thiệp sớm” (PHS-CTS) giữa Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Phú Yên và Ủy ban Y tế Hà Lan triển khai ở 9 xã thuộc ba huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh thì yếu tố gia đình trong việc PHS-CTS đóng vai trò quan trọng. Nếu một TKT được PHS-CTS thì hiệu quả phục hồi rất nhanh và phát huy được tối đa khả năng còn lại, đồng thời, ngăn chặn quá trình suy thoái và cải thiện chức năng cho trẻ, giúp trẻ phát triển tương đối bình thường, phòng tránh khuyết tật thứ phát.
Vai trò của gia đình trong phát hiện sớm là nhận ra các dấu hiệu khiếm khuyết trong sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tâm lý… so với ngưỡng phát triển bình thường của trẻ cùng lứa tuổi. Trên cơ sở đó, giúp định danh khuyết tật, kịp thời can thiệp sớm, PHCN khi các dấu hiệu này mới xuất hiện. Theo các chuyên gia, khi trẻ còn nhỏ, sự phát triển của trẻ chưa hoàn thiện, tổ chức cơ quan chưa ổn định, các đặc điểm sinh học, thần kinh, tâm sinh lý, hành vi chưa định hình nên còn khả năng can thiệp điều chỉnh thay đổi theo hướng phù hợp với hoàn cảnh, môi trường mới của trẻ. Khi gia đình phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ sẽ giúp cho cán bộ y tế xây dựng được các kế hoạch hỗ trợ can thiệp, điều trị tốt nhất cho trẻ. Cụ thể, trong giai đoạn bào thai các bà mẹ phải chú ý khám thai định kỳ. Có thể phân thành từng giai đoạn phát triển của trẻ và những người có khả năng PHS các khuyết tật của trẻ là: Trẻ từ 1-28 ngày tuổi – người phát hiện sớm: gia đình, nhân viên y tế; trẻ từ 1-12 tháng tuổi – người phát hiện sớm: gia đình, bác sĩ, trạm y tế, giáo viên mầm non, người giúp việc; trẻ từ 12-27 tháng tuổi – người phát hiện sớm: gia đình, bác sĩ, giáo viên mầm non, cộng tác viên… Như vậy ở giai đoạn phát triển nào của trẻ gia đình cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để phát hiện dấu hiệu bất thường, khiếm khuyết, từ đó có những biện pháp can thiệp hợp lý cho trẻ.
Phú Yên là một trong bốn tỉnh trong cả nước được hỗ trợ triển khai dự án PHS-CTS. Chương trình này được lồng ghép với chương trình PHCN dựa vào cộng đồng trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả tốt cho TKT, mạng lưới PHS - CTS được hình thành từ tỉnh đến cơ sở. Ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng trạm Y tế Suối Trai (huyện Sơn Hòa) cho hay: “Xã Suối Trai có 8 TKT được hưởng lợi từ dự án. Nhờ gia đình PHS được khuyết tật của trẻ nên có sự can thiệp đúng. Cán bộ y tế cơ sở can thiệp những dạng khuyết tật vận động, các khiếm khuyết, còn giải phẫu thì được chuyển lên tuyến cao hơn. Sau đó, chuyển cho cán bộ giáo dục cơ sở can thiệp về các dạng khuyết tật về nhận thức, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, khiếm thính, khiếm thị… Khi có sự phối hợp cùng lúc như vậy trẻ sẽ được can thiệp toàn diện”.
Ủy ban Y tế Hà Lan đang hỗ trợ tỉnh Phú Yên nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng về quản lý liên quan tới PHS-CTS cho gia đình, cán bộ y tế, giáo dục, dân số các tuyến bằng các hình thức như: tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học tập và thường xuyên giám sát đánh giá. Hiện nay, hệ thống mạng lưới của chương trình này ở Phú Yên có sự kết nối tốt, đặc biệt trong 9 xã của 3 huyện triển khai chương trình. Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Phú Yên cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi từ sự hỗ trợ của dự án, vấn đề gặp phải hiện nay là rất nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức tới trẻ, khó nhận biết những bất thường cũng như các dấu hiệu khuyết tật. Do đó, khi phát hiện thì đã có dấu hiệu khiếm khuyết chức năng hoặc khuyết tật sâu, gây bất lợi trong can thiệp, thậm chí là không thể can thiệp được. Chính vì vậy, PHS-CTS cần có sự phối hợp đa ngành với sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng với nhiều nguồn lực của cộng đồng, mà quan trọng nhất là ngay trong gia đình có trẻ em”.
THÙY THẢO