Phú Yên đã hình thành vùng chuyên canh mía ổn định với diện tích trên 18.500 ha, sản lượng đạt gần một triệu tấn, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy. Cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực, tập trung ở các huyện miền núi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hàng ngàn hộ dân.
Nông dân huyện Đồng Xuân thu hoạch mía – Ảnh: A.NGỌC
ĐỔI THAY MỘT VÙNG QUÊ
Là một trong bốn thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), thôn Da Dù đang từng ngày thay da, đổi thịt. Điều dễ nhận thấy nhất là nơi ở của bà con đều được xây dựng kiên cố, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Năm nay niềm vui của bà con Da Dù như được nhân đôi, khi giá mía cây bán tại ruộng lên đến 830.000 đồng/tấn. Trưởng thôn Mang Thái cho biết: “Thôn có 286 hộ trồng mía trên diện tích 350 ha. Hộ ít thì trồng vài sào, hộ nhiều trồng 5 đến 10 ha”. Mía được giá, bà con rất phấn khởi, như nhà Mang Thị Út trồng 2 ha mía, bán được 54 triệu đồng; nhà trưởng thôn Mang Thái trồng 4,5 ha, bán được 103 triệu đồng… Các hộ Mang Tài, Mang Chọn, Mang Dô... sau nhiều năm gắn bó với cây mía, nay đã trở thành những “đại gia” ở huyện miền núi này, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Già làng Mang Thôn phấn khởi cho biết: “Được chính quyền vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bà con ai cũng làm theo. Gia đình tôi đã tiên phong đưa cây mía lên đất đồi. Ban đầu trồng vài sào, sau mở rộng lên trên 4 ha, cứ như thế, dần dần có của ăn của để từ cây mía”. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lãnh Hồ Nam Khánh cho biết, toàn xã có 1.760 ha đất sản xuất, riêng diện tích mía gần 1.000 ha, trong đó thôn Da Dù trên 350 ha. “Nhờ cây mía, Xuân Lãnh đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2009, cả xã chỉ còn 650 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 30%”.
THU NHẬP TĂNG 2,7 LẦN
Nói đến cây mía ở vùng đất Sơn Hòa, ai cũng biết vợ chồng người cựu chiến binh Trần Văn Bàn và Nguyễn Thị Minh Quế ở thôn Nguyên Trang, xã Sơn Nguyên. Ông quê Vĩnh Phú, nhập ngũ năm 1964, chiến đấu tại nhiều chiến trường. Ngày đầu rời quân ngũ, vợ chồng ông Bàn vào định cư tại vùng đất Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa). Trải qua hàng chục năm vật lộn với khó khăn, đến nay gia đình ông đã thành triệu phú với 24 ha đất sản xuất. Trong số đó có 10 ha mía, còn lại là đất trồng rừng, cây công nghiệp ngắn ngày. Mỗi năm gia đình ông Bàn thu hoạch 600 tấn mía, thu nhập trên 500 triệu đồng.
Làm giàu từ cây mía như vợ chồng ông Bàn bây giờ không còn là chuyện hiếm. Tại huyện Sơn Hòa có trên 8.650 ha trồng mía, chiếm gần 50% diện tích mía toàn tỉnh. Cách đây hơn 10 năm, Sơn Hòa có gần 60% hộ nghèo, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội, Sơn Định, Krông Pa tỉ lệ hộ nghèo chiếm 60% đến 80%. Vậy mà đến năm 2009, tỉ lệ hộ nghèo của huyện này giảm xuống còn 16,9%. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa cho biết, để có được vùng mía chuyên canh, huyện đã triển khai những giải pháp phù hợp trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong đó mía là cây trồng chủ lực có tính đột phá, bền vững. Hiện nhiều địa phương ở Sơn Hòa có diện tích mía lớn trong cơ cấu đất sản xuất như xã Sơn Hà (1.445 ha), Sơn Nguyên (1.320ha), Sơn Phước (1.763 ha). Nhiều nông dân trở thành triệu phú từ loại cây trồng này như Trần Văn Bàn, Đoàn Đắc Miên (Sơn Nguyên), Huỳnh Quang Bình, Ma Ý (buôn Suối Cau, xã Sơn Hà)…
Hiệu quả từ cây mía đã khẳng định sự đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi Phú Yên đạt 11,5%. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2003.
PHƯƠNG