Mới bước vào đầu mùa khô nhưng đã xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng ở Phú Yên, gây thiệt hại nặng kinh tế cho nông dân trồng rừng. Trao đổi với Báo Phú Yên về những vấn đề cấp bách trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng, đồng chí Cao Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết:
Dùng rựa, cuốc để đào băng cản lửa chống cháy rừng ở Sông Hinh - Ảnh: Đ.DỰ |
- Hiện nay, thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, gây nguy cơ cháy rừng ở nhiều nơi. Ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã điều tra và cảnh báo khả năng cháy rừng cao ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa và TX Sông Cầu. Các địa phương này đã từng xảy ra cháy rừng do diện tích rừng trồng rất lớn, trong khi ý thức về công tác PCCC rừng của các chủ rừng chưa cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy, thiêu rụi hàng trăm héc-ta rừng. Nguyên nhân chính là do dân đốt rừng làm rẫy gây cháy lan, trong khi đó địa bàn xảy ra các vụ cháy rất hiểm trở nên công tác chữa cháy chưa phát huy hiệu quả.
* Vậy đâu là những giải pháp để tăng cường công tác PCCC rừng đạt hiệu quả, thưa đồng chí?
- Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi và truyền tải kịp thời bản tin cấp dự báo cháy rừng đến từng đơn vị kiểm lâm, các địa phương để chủ động tuần tra liên tục, nhằm sớm phát hiện lửa rừng để có biện pháp chữa cháy hiệu quả nhất.
Giải pháp tối ưu nhất là phải phòng cháy rừng. Do vậy, Sở đôn đốc các đơn vị kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng tập trung triển khai các phương án PCCC rừng; củng cố, kiện toàn 1 ban chỉ huy (BCH) huyện, 8 BCH cấp xã, 5 tổ PCCC rừng cấp thôn và 6 tổ xung kích bảo vệ rừng, PCCC rừng tại các vùng trọng điểm. Ngành cũng đã tu sửa 1 bảng tuyên truyền, 3 bảng cấp dự báo cháy rừng... Từ nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác PCCC rừng hàng năm của UBND tỉnh trên 200 triệu đồng, Sở phân bổ cho các đơn vị, các ban quản lý rừng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra tình hình PCCC rừng ở các địa phương, tăng cường kiểm soát nguồn lửa của người dân trong quá trình xử lý thực bì để sản xuất hoa màu, trồng rừng,...
* Có ý kiến cho rằng phương tiện PCCC rừng của tỉnh quá thiếu, cũ kỹ, trong khi đó lực lượng PCCC rừng quá mỏng, nên công tác PCCC không đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi thừa nhận là phương tiện PCCC rừng của tỉnh còn quá hạn chế. Hiện nay, tỉnh chưa có phương tiện cơ giới để chữa cháy rừng. Lâu nay, các dụng cụ PCCC rừng chủ yếu thủ công là chính, như dao, rựa, bình xịt... Riêng máy bơm nước thì chỉ sử dụng chữa cháy ở những nơi địa bàn ít hiểm trở và có nguồn nước sông, suối. Diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng quá mỏng không thể đảm đương nổi công tác PCCC ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong thời gian tới, từ nguồn vốn phân bổ của dự án Nâng cao năng lực PCCC rừng giai đoạn 2007-2010, ngành Nông nghiệp Phú Yên sẽ củng cố lực lượng quản lý, PCCC rừng, đồng thời mua sắm nhiều phương tiện chữa cháy rừng, trong đó mua 1 xe PCCC rừng hiện đại...
Diễn tập chống cháy rừng ở huyện Sông Hinh chỉ có... rựa và cuốc - Ảnh: Đ.DỰ |
* Trong thời gian gần đây, phong trào nông dân tham gia trồng rừng sản xuất kinh tế với diện tích lớn, nhưng không chú trọng xây dựng các phương án PCCC rừng. Ngành Nông nghiệp có biện pháp gì để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giải pháp PCCC rừng, thưa đồng chí?
- Có thể nói, đa số các doanh nghiệp tham gia trồng rừng đều thực hiện tốt các giải pháp PCCC rừng. Tuy nhiên, nông dân trồng rừng còn rải rác ở nhiều nơi, hoặc trồng rừng bên cạnh rừng của các doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa triển khai các phương án PCCC, gây nguy cơ cháy rừng rất cao. Dân chưa có ý thức PCCC rừng nên trồng rừng, chăm sóc không đúng kỹ thuật, trồng mật độ rừng quá thưa làm cho cây không khép tán và không tạo được độ ẩm của đất. Bên cạnh đó, dân dọn thực bì phát sinh trong rừng trồng vào mùa nắng và chưa xử lý thu gom tốt... Điều này dễ gây nguy cơ cháy rừng khi thời tiết hanh khô kéo dài.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCC rừng với các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng và sống, canh tác trong rừng, ven rừng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con có ý thức PCCC rừng. Kiểm lâm địa bàn đã tích cực tham mưu cho UBND xã chủ động lập kế hoạch quản lý rừng tại chỗ, tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, PCCC rừng bằng nhiều hình thức lồng ghép trong các cuộc họp dân. Tính từ đầu năm đến nay, ngành đã tổ chức được 26 lượt với 1.864 người dân tham dự họp về công tác quản lý, PCCC rừng. Ngành sẽ tiếp tục hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng rừng, quy hoạch xây dựng đường băng cản lửa và trang bị các phương tiện PCCC rừng trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn đồng chí!
LƯU PHONG (thực hiện)