Cuộc sống của hàng trăm hộ dân thôn Phú Thịnh (xã An Thạch, huyện Tuy An) đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nước vào mùa nắng và đường lầy lội vào mùa mưa. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị, nhưng nguyện vọng chính đáng của người dân Phú Thịnh vẫn chưa được giải quyết.
Cả thôn chỉ có vài giếng nước nên mọi người phải chen chúc nhau chờ lấy nước – Ảnh: H.TRUNG
MÙA NẮNG: THIẾU NƯỚC
Mới bắt đầu mùa khô, nhưng người dân thôn Phú Thịnh đã bị thiếu nước sinh hoạt. Cả thôn có đến 527 hộ dân với 1.898 người nhưng chỉ có vài giếng nước. Do địa hình nằm cao hơn so với mặt biển nên các giếng nước ở đây phải đào rất sâu nhưng vẫn ít nước, lại bị nhiễm mặn. Những tưởng việc thiếu nước ở thôn Phú Thịnh đã được giải quyết khi Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng chỉ hoạt động được thời gian thì không còn nước và bị bỏ hoang đến nay. Vậy nên người dân phải khốn khổ vì chuyện thiếu nước, nhất là vào mùa khô.
Những ngày này, đến nhà nào trong thôn cũng nghe người ta bàn chuyện đi lấy nước. Thôn chỉ có mấy cái giếng nên nhà nào cũng tranh thủ lấy. Ông Lương Văn Hương, Trưởng thôn Phú Thịnh cho biết bắt đầu từ 10 giờ đêm trở về sáng các giếng của thôn không lúc nào vắng người. Giếng ít nước, lại đông người lấy nên mọi người phải chờ từ 30 đến 45 phút mới lấy được một đôi nước về dùng. Những ngày nắng nóng, nhiều người đi lấy nước phải chờ đợi lâu dẫn tới tình trạng cãi vã, xô xát gây mất tình làng nghĩa xóm. Thế nhưng không phải giếng nào trong thôn cũng có thể sử dụng làm nước uống. Hiện các hộ dân ở đội 6 phải sang đội 7 cách đó vài trăm mét mới có nước sạch. Còn giếng đội 6 nước đã ít, lại nhiễm mặn, đục ngầu nên bà con chỉ dùng để tắm, giặt... nhưng cũng phải rất dè sẻn mới đủ.
Thiếu nước nên những hộ chăn nuôi heo, bò hết sức vất vả. Để có nước cho bò uống, tắm cho heo các hộ này phải huy động nhiều người đi lấy nước, vậy mà những lúc cao điểm trong mùa khô nước cũng chỉ đủ cho heo, bò uống còn tắm thì đành chịu. Thiếu nước, cuộc sống của người dân Phú Thịnh khó khăn trăm bề. Bà con ở đây vẫn truyền miệng câu chuyện có thật mà như giai thoại: có cô gái ở xã An Ninh Tây yêu da diết một chàng trai thôn Phú Thịnh, xã An Thạch nhưng cuối cùng đành phải chia tay vì cha mẹ cô gái quyết không gả, sợ con mình khổ vì phải... gánh nước.
MÙA MƯA: LẦY LỘI
Không chỉ thiếu nước, đường giao thông trong thôn Phú Thịnh cũng bị lầy lội, khó đi vào mùa mưa, là nỗi khổ thứ hai mà người dân Phú Thịnh phải chịu suốt mấy chục năm nay. Đoạn đường đi qua thôn bắt đầu từ ngã ba Bà Ná đến đèo Đăng dài khoảng 5km nhưng vẫn còn đường đất chật hẹp, lởm chởm. Mùa nắng việc đi lại của người dân trong thôn còn đỡ, nhưng khi mưa đến thực sự là một cực hình. Chỉ một trận mưa lớn, nước từ triền núi đổ xuống, con đường trở nên nhão nhoét. Nhiều xe máy mặc dù đã cài số 1 vẫn bị dính bánh nên mỗi khi muốn đi đâu người dân thôn Phú Thịnh chỉ có thể cuốc bộ. Người lớn đã vậy, trẻ em càng khổ hơn. Mỗi khi đến trường các em phải xắn quần để lội trên đường sình lầy, nhiều em té ngã, sách vở bị ướt, quần áo lấm lem. Nhiều trường hợp bệnh nặng cần phải đưa lên trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện phải rất vất vả khi băng qua con đường này với nhiều đoạn lầy lội, trơn trợt. Đường như vậy nên vào mùa mưa, những người già như bà Lê Thị Sàn, 85 tuổi, mẹ liệt sĩ chỉ còn trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm trong việc ăn uống, chăm sóc bởi bà không thể nào ra đường mua những thứ cần thiết. Bà Sàn cho biết, bà cũng như nhiều người già trong thôn luôn mong muốn nhà nước làm cho con đường qua thôn để khi chết, mọi người khiêng quan tài ra nghĩa trang cho dễ.
Theo Chủ tịch UBND xã An Thạch Trần Văn Tuấn, 527 hộ dân ở thôn Phú Thịnh đang rất cần có nước sạch và nâng cấp đường để việc đi lại được dễ dàng cũng như góp phần phát triển kinh tế. Phú Thịnh có đến 105 hộ gia đình chính sách, nhưng đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn với 78 hộ thuộc diện nghèo. Thời gian qua, tỉnh cũng như huyện Tuy An cũng đã quan tâm đến Phú Thịnh khi đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch và khảo sát, lập dự án nâng cấp tuyến đường từ ngã ba Bà Ná đến đèo Đăng. Tuy nhiên, hệ thống nước không còn sử dụng được nên người dân tiếp tục thiếu nước, còn con đường không hiểu lý do gì đến nay vẫn chưa được triển khai. Nếu thực hiện bê tông hóa đường này theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm với tỉ lệ 70/30 thì phần 30% do dân đóng góp cũng không thực hiện được vì dân Phú Thịnh còn nghèo, trong khi xã An Thạch cũng không thể huy động nguồn vốn nào khác. Hiện bà con nơi đây rất cần hệ thống nước và nâng cấp đường nên đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa để dân Phú Thịnh được nhờ.
HOÀI TRUNG