Thứ Năm, 28/11/2024 14:44 CH
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng:
Giúp người khuyết tật tự tin vươn lên
Chủ Nhật, 18/04/2010 07:00 SA

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng do Phó Giáo sư - tiến sĩ Trần Trọng Hải, Thầy thuốc nhân dân, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam khởi xướng và dày công phát triển tại Việt Nam từ năm 1987 đến nay đã được 23 năm. Thực tế cho thấy: Việc áp dụng mô hình đã đảm bảo được tính thuyết phục, khả thi, mang lại hiệu quả về kinh tế, tiện ích và ý nghĩa hơn cả là tính nhân văn cho nhóm người thiệt thòi trong xã hội. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao tại Hội nghị thành lập Hội Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (CBR) khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Thái Lan năm 2009.

 

phcn-noi100417.jpg

Phục hồi chức năng cho người khuyết tật giọng nót tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Long Thủy – Ảnh: T.THỦY

 

Tiến sĩ Trần Trọng Hải cho biết: Mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là hoạt động tổng hợp, liên kết, trong đó vai trò y tế là cốt lõi vừa giữ vai trò điều phối hoạt động hội nhập cộng đồng xã hội. Theo đó, ngành y tế phát hiện, thẩm định theo dõi và từng ngày, từng giờ đưa ra phác đồ điều trị và giúp bệnh nhân phục hồi chức năng. Ngành Giáo dục đưa trẻ em khuyết tật vào học hòa nhập hoặc chuyên biệt, ngành Lao động thương binh xã hội hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập và các dịch vụ xã hội thông qua các hỗ trợ xã hội. Với hiệu quả mà dự án mang lại cho cộng đồng, nhất là nhóm người bị thiệt thòi trong những năm qua là một minh chứng hết sức thuyết phục về tính khả thi và thành công của mô hình phục hồi chức năng tại cộng đồng một cách toàn diện.

 

Hiện số người tàn tật chiếm 5-7% dân số Việt Nam, trong đó chủ yếu là trẻ em và người trong độ tuổi lao động. Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở Việt Nam: 70% người khuyết tật có tỉ lệ phục hồi cao, có cơ hội để hòa nhập với cuộc sống gia đình và cộng đồng. Chất lượng phục hồi được đảm bảo với chi phí chấp nhận được, người khuyết tật có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu cơ bản ở cộng đồng. Từ một vài điểm thí điểm nhỏ lẻ, đến nay đã có 46/63 tỉnh, thành phố áp dụng mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, 64% người lớn khuyết tật và 71% trẻ khuyết tật được cung cấp dịch vụ y tế và phục hồi chức năng; 50% được tiếp cận các dịch vụ giáo dục; 24% có công ăn việc làm và cải thiện thu nhập.

 

Từ thành công của mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng do Phó Giáo sư - tiến sĩ Trần Trọng Hải ấp ủ và khởi xướng tại Bệnh viện Nhi Việt Nam - Thụy Điển nay là Bệnh viện Nhi Trung ương làm tiền đề cho việc xây dựng Chính sách trong phục hồi chức năng, với sự ra đời của Pháp lệnh về Người tàn tật; Kế hoạch chiến lược để tăng cường chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người khuyết tật. Với các mục tiêu của chính sách hết sức thuyết phục: Đến năm 2010, 75% người khuyết tật được cung cấp các dịch vụ y tế; 70% trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học tiếp cận được với giáo dục.

 

Cùng với sự ra đời của các chính sách, hệ thống phục hồi chức năng tại cộng đồng cũng được hình thành và phát triển thành ngành. Khoa phục hồi chức năng được ra đời tại tất cả các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và hầu hết các bệnh viện đa khoa 63 tỉnh, thành phố, các trung tâm y tế huyện; gần 40 bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng; chuyên ngành phục hồi chức năng đã chính thức được giảng dạy tại các trường đại học và sau đại học về y khoa. Đến nay, hơn 21.000 cán bộ y tế xã, 8.600 cán bộ y tế quận (huyện) đã được đào tạo phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…

 

Trong tương lai, chủ trương đưa phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng vào chương trình quốc gia song song với việc phát triển hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực; tăng cường chất lượng dịch vụ, đặc biệt là phòng ngừa khuyết tật và can thiệp sớm. Bên cạnh đó, giảm tình trạng đói nghèo ở người khuyết tật bằng cách ưu tiên đào tạo nghề và định hướng việc làm cho người khuyết tật. Kinh nghiệm của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia trao đổi học tập và ứng dụng, mang lại hiệu ứng rộng trong cộng đồng quốc tế. Theo WHO, mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của Việt Nam đã tạo cơ hội và hướng đi cho 7-10% dân số thế giới bị tàn tật có cơ hội được hội nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn.

 

Thành công của mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng triển khai 23 năm qua tại Việt Nam đã mở ra hướng đi toàn diện bao gồm y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội và các tổ chức xã hội khác - một chiến lược phát triển hết sức bền vững tiện ích cho hàng triệu người khuyết tật Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm với thế giới.

 

Mô hình giúp nhiều người khuyết tật Phú Yên hòa nhập cộng đồng

 

Ở Phú Yên, đến nay, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được triển khai 10 năm tại 42 xã, với tỉ lệ tàn tật chung là 5,59%, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ, người khuyết tật được phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng.

 

Từ 2004 đến nay, có 9 xã thuộc 3 huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh được hỗ trợ từ dự án “Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý” do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ trên tổng số người khuyết tật là 1.368. Qua 5 năm thực hiện, dự án này đã giúp 175 người khuyết tật ở Phú Yên vượt qua những trở ngại cá nhân để thực sự vươn lên hòa nhập cộng đồng, có 114 người khuyết tật có việc làm, 61 trẻ khuyết tật được đi học. Sau khi tham gia dự án, 100% người khuyết tật tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn với mọi người xung quanh, tham gia vào hội người khuyết tật và các đoàn thể khác. Dự án cũng hỗ trợ 332 người phát triển kế hoạch cá nhân, tạo điều kiện để họ khẳng định mình.                                                      

 

B.T.V

 

NHẬT MINH - (TTXVN)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek