Ai cũng hiểu, một khi rừng cháy, việc chữa cháy vô cùng khó khăn, nguy hiểm, thiệt hại sẽ rất lớn. Bởi vậy, chưa bước vào mùa khô 2010, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Điểm chung nổi bật trong các biện pháp ở nhiều địa phương là cùng với việc chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, khoanh vùng những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, đề ra các kịch bản chống cháy rừng… còn nhắc đến việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng, chủ động cảnh báo, phát hiện và chữa cháy rừng.
Dù vậy, mới đầu mùa khô, những thông tin dồn dập về cháy rừng ở Phú Yên không khỏi khiến người ta lo ngại. 250ha rừng trồng phòng hộ đầu nguồn ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân bị cháy rụi; tại huyện này cũng xảy ra một vụ cháy khác làm thiệt hại 2ha rừng trồng dự án KfW6. Ở Sông Hinh, từ đầu mùa khô đến nay đã có 4 vụ cháy rừng trồng, rừng dự án và các diện tích trồng cây gỗ của người dân, gây thiệt hại hơn 17ha. Huyện Sơn Hòa xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng, thiêu rụi 10 ha rừng… Những đám rừng xanh tươi được người dân đầu tư hàng triệu đồng mỗi héc-ta, đổ công chăm sóc, bảo quản nhiều năm trời, là “nồi cơm”, là niềm hy vọng của họ bỗng chốc trở thành than. Ngoài thiệt hại rất lớn về kinh tế, cháy rừng còn gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh khó đo đếm được.
Việc điều tra nguyên nhân cháy rừng không hề dễ dàng, vì ngọn lửa thường xóa đi những dấu vết để lại hiện trường. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng đều liên quan đến yếu tố con người; và hầu hết những nhận định về các vụ cháy rừng tựu trung ở mấy điểm: do dân đốt rừng làm rẫy gây cháy lan, do bất cẩn trong nấu nướng giữa rừng của những người đi rừng, do có người vứt tàn thuốc đang cháy ở khu vực có thực bì khô…
Bởi vậy, có thể nói ý thức con người trong việc phòng cháy rừng là điều hết sức quan trọng. Các ngành, các cấp, các địa phương nên nhận thấy rõ yếu tố này, từ đó xem việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, là một công tác chính yếu, không làm lấy có, làm qua loa. Một khi càng có nhiều người có ý thức chống cháy rừng thì chắc chắn số vụ cháy rừng, thiệt hại do cháy rừng sẽ giảm xuống.
Nâng cao ý thức mọi người không chỉ trong việc chống cháy rừng, mà còn cả việc chữa cháy rừng. Hình ảnh ông Nguyễn Sự và con rể Dương Minh Trường ở xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân quăng chén cơm trưa đang ăn, chạy bộ gần 5 cây số đường rừng đèo dốc để đến nơi rừng cháy, rồi nhào vào đám lửa đang bốc lên ngùn ngụt để cứu rừng trồng của người khác đến bất tỉnh nhân sự (Báo Phú Yên ngày 15/4 đăng bài) chắc hẳn khiến nhiều người thán phục và xúc động. Nếu ai cũng có được ý thức như cha con ông Sự, anh Trường, thì việc phòng chống cháy rừng sẽ hiệu quả biết bao nhiêu; thiệt hại của người dân, của xã hội và cả của thiên nhiên sẽ giảm rất nhiều.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG