Thứ Bảy, 05/10/2024 14:28 CH
Cứu tàu bị nạn trên biển:
Nỗ lực lớn nhưng quá nhiều khó khăn
Thứ Sáu, 29/01/2010 07:30 SA

Từ giữa tháng 1/2010 đến nay, hàng loạt tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên bị nạn, chìm khi đang hoạt động cách bờ hàng trăm hải lý. Tuy nhiên, công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị nạn còn nhiều bất cập, nhất là ngư dân khai báo không đúng tần số.

 

Cuu-nan.100129.jpg

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Phú Yên cứu ngư dân bị nạn trên biển - Ảnh: HỒNG CHIÊN

 

NHỮNG CHUYẾN BIỂN BẤT TRẮC

 

Ngày 18/1, tàu đánh cá PY-92468 do anh Trần Hữu Thương (ở phường 6, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng, trong lúc câu cá ngừ đại dương trên vùng biển có tọa độ 110 vĩ bắc, 1120 kinh đông bị sóng to gió lớn đánh mạnh khiến chân vịt của tàu gãy, máy tàu hỏng, không thể hoạt động được. Anh Thương đã gọi đàm thoại về báo cho gia đình; sau đó gia đình đến Đồn biên phòng 352 đề nghị đơn vị có biện pháp ứng cứu. Đồn biên phòng 352 đã tổ chức đàm thoại nhiều giờ liên lạc ra biển để kêu gọi ứng cứu. Rất may, tàu của anh Võ Ngọc Nhân (ở phường 6) đã nghe tin và đến cứu hộ. Đến 6g ngày 21/1 chiếc tàu bị nạn đã được lai dắt vào bờ.

 

Ngày 19/1, Đồn biên phòng 352 nhận tin: tàu đánh cá PY- 92555 do ông Trần Văn Bình (ở phường 6) hỏng máy, bị sóng đánh chìm khi đang hành nghề trên vùng biển có tọa độ 110 vĩ bắc, 1120 kinh đông. Đồn biên phòng 352 đã dùng máy bộ đàm liên lạc, tìm kiếm, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động ở gần đó đến ứng cứu. Đến 6g cùng ngày, một tàu ở khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) đã tiếp cận, cứu nạn chín ngư dân trên tàu bị nạn đưa vào bờ. Tuy nhiên, tàu PY- 92555 và toàn bộ ngư cụ, tài sản cùng số cá câu được đã bị chìm hoàn toàn.

 

Một ngày sau đó, tàu đánh cá PY- 90298TS do ông Hồ Đức Dũng (ở phường 6) làm thuyền trưởng trong lúc câu cá ngừ đại dương trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa đã bị sóng to đánh dạt lên rạn san hô và mắc cạn. Sau khi phát điện gọi ứng cứu, chiếc tàu này đã được tàu Hải quân Trường Sa 18 đến cứu 10 ngư dân trên tàu bị nạn. Cùng thời điểm, Đồn biên phòng 352 nhận tin và đã đàm thoại liên lạc, gọi được ba tàu của ngư dân (cùng ở phường 6) đi cùng tập đoàn đánh bắt đến khu vực tàu bị nạn để vớt một số tài sản trước khi tàu bị sóng đánh chìm hoàn toàn; đồng thời tiếp nhận người từ tàu cứu nạn để đưa về đất liền.

 

Đó là những vụ tai nạn tàu thuyền đánh bắt xa bờ điển hình xảy ra trong thời điểm áp thấp nhiệt đới vừa qua. Trung tá Lê Văn Trưởng, đồn trưởng Đồn BP 352 nói: “May mắn là không có thương vong, song số tài sản của ngư dân bị mất rất lớn. Con đường làm ăn của ngư dân đánh bắt xa bờ vốn chưa hết khó khăn, giờ lại càng lao đao, khốn đốn, nhất là khi tết đã cận kề”.  

 

“NƯỚC ĐẾN CHÂN” VẪN CHƯA NHẢY   

 

Là người nhận nhiệm vụ quản lý tàu thuyền, nhất là đối với phường 6 - một địa bàn có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở Phú Yên, trung úy Nguyễn Ngọc Ry, Trạm phó Trạm kiểm soát biên phòng tại cảng cá phường 6, tâm sự: “Mỗi lần nghe tin tàu bị nạn, từ cán bộ cho đến chiến sĩ đơn vị gần như bỏ ăn bỏ ngủ để tìm mọi cách cứu giúp bà con. Máy bộ đàm đơn vị thì mở suốt ngày đêm, cán bộ chiến sĩ thay nhau túc trực, cố kêu gọi, tìm kiếm các phương tiện nào gần kề đến giúp. Khi nghe được tín hiệu đáp lại, có phương tiện nào đó nhận lời đến cứu giúp là trong lòng chúng tôi mừng khôn xiết. Dù cổ họng đã bị khản đặc, không nói được ra tiếng anh em vẫn sung sướng”. Thế nhưng, thông thường, trạm biên phòng nhận tin báo về sớm nhất phải hơn sáu giờ, sau khi sự cố xảy ra. Bởi ngay khi tai nạn xảy ra, một số chủ tàu thuyền vẫn hy vọng tự khắc phục và đánh bắt trở lại được nên nhất định không gọi về báo sớm để không bị lộ tần số. “Đến khi bất lực, tàu bắt đầu bị nước tràn vào gây chìm, ngư dân mới điện xin cứu hộ khẩn cấp. Trong khi đó, từ lúc nhận được tin báo, để huy động kêu gọi được tàu thuyền đến ứng cứu có khi đến hàng chục giờ, thậm chí mất cả ngày. Do đó, khi tàu cứu nạn đến nơi, may mắn thì người lao động còn ôm phao chờ đó, còn tàu bị nạn ngập nước, chìm hoàn toàn không thể lai dắt - một khối tài sản gần như cả gia tài của ngư dân bị vùi sâu dưới biển” - trung tá Lê Quang Trưởng cho biết

 

Tình trạng giấu tần số thông tin trên biển đang xảy ra khá phổ biến trong ngư dân. Trước khi ra biển, ngư dân khai báo cho lực lượng bộ đội biên phòng một tần số, khi ra đến nơi họ chuyển sang một tần số khác, chỉ có gia đình của họ mới biết. Lực lượng bộ đội biên phòng muốn liên lạc thì không thể thực hiện được. Khi tai nạn xảy ra, các chiến sĩ bộ đội biên phòng phải mất nhiều thời gian mới nắm chính xác tọa độ để vận động ứng cứu. Theo trung úy Nguyễn Ngọc Ry, hiện nay chỉ có 20% ngư dân khai báo trung thực và liên lạc với bộ đội biên phòng theo tần số đã khai báo ban đầu.

 

Từ những chuyến biển đầu mùa bất trắc này, ông Phan Thuẫn, một chủ tàu đánh cá ở phường 6 bày tỏ lo lắng: “Ngư dân mình đồng vốn làm ăn ít, mấy năm nay làm ăn thua lỗ nhiều, nên việc tu bổ, làm nước bảo dưỡng tàu không được tích cực lắm. Hầu hết các thân, vỏ tàu sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, mục nát. Máy móc ngay từ lúc mua mới cũng đều đã qua sử dụng và thêm nhiều năm hoạt động nên nguy cơ hỏng hóc bất thình lình ngoài biển rất lớn”. Có thể thấy, vấn đề bảo vệ ngư dân, cứu hộ cứu nạn kịp thời luôn cần phải đặt lên hàng đầu. Để có thể làm tốt việc kêu gọi, vận động cứu hộ ngư dân, hạn chế những tổn thất mất mát lớn, lực lượng bộ đội biên phòng rất cần hợp tác tích cực của ngư dân trong việc khai báo tần số thông tin liên lạc.

 

DIÊN SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek