1. Bão số 11 và cơn lũ lịch sử gây thiệt hại nặng
Cơn bão số 11 đổ bộ vào Phú Yên ngày 2/11, tiếp ngay sau đó là trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại chưa từng có đối với Phú Yên với 80 người chết, 97 người bị thương, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 2.700 ngôi nhà khác bị hư hỏng 50-70%, toàn tỉnh bị thiệt hại 3.078 tỉ đồng. Ngay sau bão lũ, tỉnh Phú Yên huy động tổng lực khắc phục hậu quả, tổ chức cứu trợ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Cả nước đã hướng về Phú Yên, chia sẻ, trợ giúp các gia đình nạn nhân bão lũ.
2. Mở đường bay Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại
Ngày 24/10, UBND tỉnh Phú Yên, Tổng Công ty Hàng không Việt
3. Lần đầu tiên vòng chung kết toàn quốc giải Sao Mai tổ chức tại Phú Yên
Lần đầu tiên, vòng chung kết liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc- giải Sao Mai 2009 được tổ chức tại Phú Yên. Chỉ trong 50 ngày, Công ty TNHH Vận tải - Thương mại Thuận Thảo - đơn vị đồng tổ chức với Đài Truyền hình Việt Nam - đã đầu tư xây dựng nhà hát Sao Mai 3.600 chỗ ngồi tại Trung tâm Giải trí - sinh thái Thuận Thảo. 27 thí sinh đại diện các vùng miền trong cả nước dự thi ở ba phong cách nhạc nhẹ, thính phòng, dân gian. Ba giọng ca: Lê Xuân Hảo (thính phòng), Bùi Lê Mận (dân gian), Hà Hoài Thu (nhạc nhẹ) đã đăng quang trong đêm chung kết xếp hạng 20/12.
4. Thành lập thị xã Sông Cầu
Ngày 22/9, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức công bố Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về việc thành lập TX Sông Cầu, thành lập các phường thuộc TX Sông Cầu. Theo Nghị quyết 42/NQ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký có hiệu lực từ ngày 27/8/2009, TX Sông Cầu được thành lập trên cơ sở toàn bộ hơn 48.928 ha diện tích tự nhiên, dân số hơn 101.500 người thuộc huyện Sông Cầu; có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 4 phường, 10 xã. Bốn phường được thành lập là Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài. Việc thành lập TX Sông Cầu được đánh giá là thời cơ mới để Sông Cầu huy động nhiều nguồn lực, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, xây dựng vùng đất phía bắc của tỉnh Phú Yên thành đô thị dịch vụ - du lịch - công nghiệp với mũi nhọn là kinh tế biển.
5. Đưa vào hoạt động nhiều khu du lịch, khách sạn cao cấp
Lần đầu tiên ở Phú Yên, một khách sạn năm sao được đưa vào hoạt động, đó là khách sạn CenDeluxe của Công ty TNHH Vận tải - Thương mại Thuận Thảo. Tiếp đó, khách sạn Kaya- một khách sạn 15 tầng, tiêu chuẩn bốn sao của Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Hòa cũng được đưa vào hoạt động. Trong năm 2009, một số khu du lịch cao cấp khác cũng được đưa vào hoạt động như khu du lịch Sao Việt, khu du lịch Bãi Tràm… Việc đưa những khu du lịch, khách sạn cao cấp trên vào hoạt động góp phần phát triển hạ tầng, khai thác tiềm năng du lịch Phú Yên.
6. Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên
Từ 30/6 đến 4/7, ngày hội Văn hóa- Thể thao - du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ VII do UBND tỉnh tổ chức diễn ra tại TP Tuy Hòa với nhiều hoạt động, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như thi diễn chương trình nghệ thuật dân gian, thi các môn thể thao dân gian, thi văn hóa ẩm thực, thi diễn tấu cồng chiêng, thi diễn các lễ hội truyền thống…Đặc biệt, lần đầu tiên lễ hội đường phố (carnaval)- một chương trình của ngày hội- tưng bừng diễn ra trên đường phố Tuy Hòa với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút hàng vạn người dân đến xem, cổ vũ. Ngoài các đoàn ở Phú Yên, lần đầu tiên Liên đoàn nghệ thuật dân gian Chung Buk tham gia ngày hội.
7. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Ngày 26/11, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị biểu dương, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm 48 tập thể, 121 cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã biểu dương, khen thưởng 23 cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp trong cứu nạn, cứu trợ trong và sau cơn bão lũ.
8. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên
Ngày 11/12, tỉnh Phú Yên tổ chức đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên năm 2009 với sự tham gia của 190 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 55.300 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đại hội đã tổng kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên; ghi nhận công lao của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Yên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội qua các thời kỳ cách mạng; định hướng công tác dân tộc tỉnh Phú Yên đến năm 2020. Đại hội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Phú Yên cơ bản không còn hộ dân tộc thiểu số nghèo.
9. Dư luận bức xúc vì rừng bị phá nghiêm trọng
Dư luận bày tỏ bức xúc trước tình trạng nhiều diện tích rừng bị phá nghiêm trọng, trong đó có các dự án trồng rừng kinh tế ở huyện Đồng Xuân, đã góp phần khiến lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Đây cũng là một vấn đề nổi bật được nhiều đại biểu đề cập tại kỳ họp lần thứ 15 HĐND tỉnh Phú Yên khóa V.
10. Công bố quyết định thành lập khu kinh tế Nam Phú Yên
Ngày 24/10, UBND tỉnh Phú Yên công bố quyết định thành lập, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên. Theo Quyết định số 54/2008/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ngày 28/4, khu kinh tế Nam Phú Yên có hai khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan, là một trong những trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, đô thị lớn, cửa ngõ quan trọng của khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên... Nhà đầu tư được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào khu kinh tế này. Khu kinh tế Nam Phú Yên có diện tích tự nhiên 20.730 ha; dự kiến sẽ có 5- 6 khu công nghiệp (ngoài khu công nghiệp Hòa Hiệp) được hình thành gồm khu công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất cùng các khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, khu công nghiệp đa năng…
Hội Nhà báo Phú Yên bầu chọn