Từ ngày 1/1/2010, học sinh, sinh viên phải có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) với mức đóng bằng 3% mức lương tối thiểu, trong đó, nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên thuộc diện còn lại. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá về vấn đề này.
* Ngành Giáo dục – Đào tạo triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tá
- Ngày 1/1/2010, lần đầu tiên đối tượng học sinh, sinh viên chuyển từ hình thức tự nguyện sang có trách nhiệm tham gia BHYT, với sự hỗ trợ một phần chi phí từ ngân sách tỉnh. Đây là chương trình nhằm rút ngắn lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Hiện công tác chuẩn bị triển khai BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đang tích cực được triển khai. Sở GD – ĐT đã có công văn gởi các trường về việc triển khai Luật BHYT. Trong đó, yêu cầu nhà trường, giáo viên có kế hoạch vận động, nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh tự giác, tích cực tham gia BHYT, coi đây là một trong những nhiệm vụ giáo dục quan trọng đối với học sinh, sinh viên.
* Mức đóng BHYT cao hơn so với trước đây, liệu có ảnh hưởng đến số lượng học sinh, sinh viên tham gia?
- Thực tế thời gian qua, quỹ khám chữa bệnh BHYT học sinh, sinh viên đã bảo đảm quyền lợi cho hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, tai nạn phải nằm điều trị tại các bệnh viện. Nhiều trường hợp học sinh có thẻ BHYT chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị với chi phí lớn được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán, góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Hữu ích là vậy nhưng do lâu nay công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT học sinh, sinh viên còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc vận động học sinh, sinh viên tự nguyện tham gia BHYT. Theo Luật BHYT, từ ngày 1/1/2010, mặc dù tất cả học sinh, sinh viên phải có trách nhiệm tham gia BHYT, song nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ rất khó đảm bảo được mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục – Đào tạo, cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng.
Cán bộ y tế Trường tiểu học Lạc Long Quân chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: T.HẰNG |
* Làm thế nào để học sinh, sinh viên tham gia BHYT 100%?
- Việc tăng tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT lên 100% trong thời gian tới là mục tiêu cần có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành. Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác BHYT tại các trường, giúp các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thấy rõ được ý nghĩa thiết thực của việc tham gia BHYT trong chăm sóc sức khỏe cũng như trong giáo dục toàn diện cho học sinh, cần có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực hơn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong cung cách phục vụ của bệnh viện đối với các bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYTnói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Chẳng hạn, biên chế cán bộ y tế cho các trường chưa có, vấn đề này thuộc về trách nhiệm của Sở Nội vụ; thái độ phục vụ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế của đội ngũ y bác sĩ chưa tốt thuộc về ngành y tế... Tham gia BHYT là để đảm bảo quyền lợi của học sinh, sinh viên, là chính sách xã hội của nhà nước, mang tính cộng đồng chia sẻ rủi ro, không vì mục đích kinh doanh…Vì vậy, tôi mong học sinh, phụ huynh đừng bỏ qua lợi ích này.
* Xin cảm ơn ông!
KHÁNH NGUYÊN (thực hiện)