Thứ Tư, 27/11/2024 23:48 CH
Tái định cư, giải quyết việc làm khi thực hiện các dự án:
Chưa có giải pháp rõ ràng giải quyết những bất cập
Thứ Hai, 07/12/2009 10:30 SA

Đến nay, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như giải pháp giải quyết việc làm tại 9 dự án lớn đã và đang triển khai trên địa bàn Phú Yên còn nhiều bất cập.

 

Buon-Chao.091207.jpg

Một góc khu tái định cư buôn Chao (huyện Sông Hinh) - Ảnh: N.TRƯỞNG

 

CHẬM, LÃNG PHÍ

 

Có 5 trong số 9 dự án đã lên phương án bồi thường với kinh phí hơn 151 tỉ 350 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài dự án thủy điện Sông Ba Hạ cơ bản thực hiện xong chính sách tái định cư cho 193 hộ dân; các dự án còn lại đều chậm triển khai việc bồi thường và tái định cư. Chẳng hạn, đối với dự án cảng Vũng Rô, tỉnh Phú Yên phải di dời khoảng 120 hộ là ngư dân ở Bãi Lách (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) đến sinh sống tại hai khu tái định cư Suối Rô và Bãi Ngà. Tuy nhiên, việc khảo sát, xây dựng hai khu tái định cư trên quá vội vã, hạ tầng kém nên người dân không mặn mà đến lập nghiệp. Một mặt khu tái định cư Suối Rô cách xa bờ biển gần một cây số nên ngư dân khó quản lý những tài sản cho nghề đi biển của mình; mặt khác do quỹ đất quá ít, diện tích mỗi hộ được cấp giảm từ 84m2 xuống còn 60m2 nên đến nay hầu như chưa hộ nào lên đây lập nghiệp. Khu tái định cư Bãi Ngà nằm sát biển được ngư dân Bãi Lách đồng thuận đến lập nghiệp. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Phú Yên quyết định không tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư Bãi Ngà mà sẽ di chuyển dân đến định cư tại hai khu tái định cư Phú Lạc và Hòa Tâm. Thế nhưng, đến nay khu tái định cư Phú Lạc mới đang san ủi mặt bằng giai đoạn 1 rộng 10 ha và chưa xây dựng khu tái định cư HòaTâm.

 

Đối với dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên do Công ty TNHH New City Propeties (Brunei) làm chủ đầu tư với vốn đăng ký lên đến 4,345 tỉ USD, đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 7/2008 với diện tích 565 ha. Thế nhưng, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu để hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của tỉnh lập phương án chi trả cho dân...

 

CHƯA CÓ GIẢI PHÁP RÕ RÀNG

 

Việc thu hồi đất để thực hiện 9 dự án quan trọng ở Phú Yên ảnh hưởng đến 2.428 hộ với 9.712 người; trong đó hơn 4.830 người trong độ tuổi lao động. Đến nay phần lớn các hộ đều chưa chuyển đến nơi ở mới, ngoài dự án thủy điện Sông Ba Hạ và một số hộ thuộc dự án chống ngập lụt TP Tuy Hòa, cảng Vũng Rô. Hầu hết họ là những nông, ngư dân, lao động phổ thông, nên khi đến lập nghiệp tại các khu tái định cư buộc phải có đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề. Do vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho dân là một yêu cầu cấp thiết mà tỉnh Phú Yên cần phải tính toán ngay từ đầu. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có giải pháp rõ ràng, ngoài vận dụng một số chương trình lồng ghép chung chung như hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số, người nghèo; hỗ trợ học ngoại ngữ, giáo dục định hướng để đi xuất khẩu lao động; tư vấn giải quyết việc làm....

 

Dự án thủy điện Sông Ba Hạ- khởi công từ năm 2004 mặc dù được đánh giá là thực hiện tái định cư tốt nhất với 5 khu tái định cư tại hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, nhưng thực chất cũng chỉ mới di dời đến nơi ở mới mà dân chưa có đất sản xuất. Tại huyện Sơn Hòa, để có đất sản xuất cho nhân dân vùng tái định cư phải đầu tư cống tự chảy ở xã Suối Trai và trạm bơm xã Krông Pa để lấy nước tưới khoảng 400 ha nhưng đến nay cống tự chảy Suối Trai chỉ mới xây dựng phần đầu mối, còn hệ thống kênh đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Trạm bơm Krông Pa cũng chỉ mới hoàn thành phần phê duyệt thiết kế. Đã thế, vào tháng 4/2009, khi thủy điện Sông Ba Hạ tích nước đã vượt cao trình thiết kế, dẫn đến hậu quả đất sản xuất, hoa màu và 23 nhà dân tại hai xã Krông Pa, Suối Trai bị ngập nước. Gần 100 hộ dân đã làm đơn khiếu kiện lên UBND huyện Sơn Hòa nhưng đến nay người dân vẫn chưa được Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ giải quyết đền bù thiệt hại...

 

Trên địa bàn huyện Sông Hinh, Ban quản lý dự án thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư trên 20 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư Buôn Chao để đưa 76 hộ là đồng bào Êđê từ buôn Bầu (xã EaBá) lên định cư, nhưng do quy hoạch không phù hợp nên chỉ có 13 hộ đến lập nghiệp. Điều đó không chỉ gây lãng phí lớn mà hiện nay 13 hộ “tiên phong, gương mẫu” đi định cư đang trong hoàn cảnh khốn khó vì họ đều sống dựa vào nguồn lương thực có được từ buôn Bầu cũ. Còn muốn mua thực phẩm như cá, mắm, muối… người dân phải đi xuống thị trấn Hai Riêng cách xa gần 20 cây số; đó là chưa nói đến chuyện học hành cho con em đến tuổi đi học…

 

Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên nên xem lại hiệu quả của các khu tái định cư, trong đó cần rà soát lại từng phương án sản xuất, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi ổn định tái định cư, Chính phủ cần ưu tiên những dự án để tạo động lực cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân. Cần nâng mức hỗ trợ cho những hộ dân bị mất đất sản xuất, nhất là ở vùng miền núi vì hiện nay mức hỗ trợ đất sản xuất chỉ 4 triệu đồng mỗi hộ là quá thấp; đồng thời tạo điều kiện cho dân vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi...

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek