Những ngày bão lũ, hàng trăm hộ dân ven biển xã An Hòa (huyện Tuy An) phải đi lánh nạn vì triều cường xâm thực sâu vào đất liền.
Sau những ngày lũ, người dân vùng triều cường An Hòa lại đắp bao cát chắn sóng – Ảnh: H.HOÀNG
Những ngày này, dọc theo đoạn đường liên xã An Hòa là cảnh nhiều người dân địa phương lỉnh kỉnh trở về nhà sau ba, bốn ngày sơ tán để tránh triều cường. Họ là những người dân thuộc 4 thôn Hội Sơn, Nhơn Hội, Phú Thường và Tân Hòa. Anh Võ Lượm (thôn Nhơn Hội) cho biết: “Năm nào gia đình tôi chẳng đi, nếu ở lại dễ chết lắm. Sống trong vùng triều cường, ai nấy đều nơm nớp lo sợ. Nhưng đi hẳn thì khó, bởi chúng tôi chỉ biết sống nhờ vào nghề làm biển”.
Ngay khi được tin bão đổ bộ trực tiếp vào Phú Yên, chính quyền xã An Hòa đã tổ chức cho 109 hộ với 457 khẩu thuộc 4 thôn nói trên sơ tán đến nơi an toàn. Tuy nhiên, khá nhiều hộ không chịu đi, bất chấp nguy hiểm rình rập. Anh Phan Văn Quốc ở thôn Phú Thường, một trong những người “bám trụ” lại, cho biết: “Tôi rất muốn đi, nhưng đi rồi đồ đạc trong nhà ai coi giữ giùm? Vả lại buổi sáng trước khi bão vô, tôi cũng đã cột xong gần chục bao cát án ngữ trước cửa nhà, nhà tôi lại nằm cao hơn mép nước biển đến gần 3m nên tôi cũng phần nào yên tâm. Nào ngờ…”.
2 giờ khuya hôm đó, biển động dữ dội, nước lên nhanh, tiếp nối là những cột sóng cao gần 3m liên tục đánh phá vào nhà dân. Chỉ sau hai đợt sóng, toàn bộ số bao cát mà anh Quốc chằng chống đã bị kéo tuột xuống lòng biển. May mắn là anh Quốc nhanh chân chạy qua nhà hàng xóm cách đó hơn 50 m để trú nhờ nên thoát chết. Cùng thời gian đó, triều cường xâm thực sâu vào đất liền, gây lở một mảng nhà trước của ông Võ Em (thôn Nhơn Hội), đánh sập cả bức tường rào nhà ông Phan Văn Tuấn (thôn Hội Sơn), làm vỡ hàng loạt các đoạn đê chắn sóng bằng xi măng do người dân tạo nên và dãy bao cát quanh nhà các ông Trần Văn Cả (ở thôn Hội Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An), Võ Thị Trang (thôn Phú Thường)…
Sáng hôm sau, nước rút đi để lại cảnh hàng chục kè chắn sóng, móng nhà nằm chỏng chơ trên bờ biển. Trên những doi cát bị sóng khoét sâu tới tận chân vực là những ngôi nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh như muốn đổ sập. Và khi nước rút hoàn toàn, người dân các thôn tiếp tục gọi nhau ra đắp lại những doi cát bị nước làm xói lở, hoặc xúc bao cát để làm những dải đê mỏng manh mới với hy vọng ngăn được sự giận dữ của thủy thần trong thời gian đến…
Tính đến nay, đã gần 10 năm, người dân thuộc 4 thôn ven biển xã An Hòa liên tục bị triều cường uy hiếp tính mạng và tài sản. Mặc dù xã đã có dự án di dời dân, nhưng do kinh phí hạn hẹp và thiếu quỹ đất để tái định cư nên vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa có được một nơi ở mới thực sự an toàn để ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: “Suốt mấy năm nay, xã An Hòa nhiều lần báo cáo lên UBND huyện Tuy An để kiến nghị tỉnh và Trung ương sớm xây dựng bờ kè dài 3km ngăn chặn triều cường nhằm giữ cho dân đất ở và sản xuất. Tuy nhiên do nguồn kinh phí đầu tư quá lớn nên đến nay, dự án trên vẫn chưa thể thực hiện được. Biển lấn thì dân phải lùi chứ chẳng còn cách nào khác”.
Huy động 500 người làm đê chống triều cường ở Long Thủy Vào mùa mưa bão, khu vực dân cư nằm dọc bãi biển Long Thủy luôn bị triều cường uy hiếp.
Do vậy, trong hai ngày 5 và 6/11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn TP Tuy Hòa huy động hơn 500 cán bộ, nhân dân, đoàn viên, thanh niên xung kích phối hợp với cán bộ chiến sĩ thuộc Sư đoàn 305 và Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên làm đê kè phòng chống triều cường uy hiếp đến tính mạng, tài sản của các hộ dân ở thôn Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa). Các lực lượng đã sử dụng 50 rọ đan lưới thép bỏ đá, 3.000 cây cọc và 8.500 bao cát để xây dựng đê tạm dài hơn 1km. KHÁNH DIÊU
Các lực lượng giúp dân Long Thủy làm đê chắn triều cường
HUY HOÀNG