Bão tan, nhà cửa hư hỏng nặng vẫn chưa kịp khắc phục thì lũ bất ngờ dâng cao vào lúc đêm khuya khiến người dân huyện Tuy An trở tay không kịp. Hàng trăm hộ dân phải “sống chung với lũ” bằng cách trèo lên mái nhà ngồi dưới màn mưa đêm, đến trưa mới được các lực lượng vũ trang đến “cứu” vào bờ. Nhiều người chết, kiệt sức, lả đi vì đói, vì rét...
Các lực lượng cứu hộ đưa người dân vùng ngập lụt huyện Tuy an ra khỏi nơi nguy hiểm - Ảnh: D.T.XUÂN
CHƠI VƠI GIỮA DÒNG LŨ DỮ
Mưa xói xả, gió quật từng cơn lạnh buốt. Nước lũ dâng cao như muốn nuốt chửng những ngôi nhà ngói còn sót lại sau bão. Vậy mà trên những nóc nhà ấy, từng người, từng nhóm người hoặc ngồi thu mình, hoặc giở ngói trồi đầu lên, giơ cao tay vẫy gọi cứu giúp. Khi đang chứng kiến người dân chơi vơi giữa dòng lũ dữ, tôi bỗng giật mình khi phía sau lưng có người gọi tên mình. Chị Phạm Thị Hồng Loan, một người chị quen thân của tôi, vừa khóc nức nở, vừa hỏi liệu có cứu được ba và em gái Kim Phượng của mình đang ở giữa dòng lũ Ngân Sơn này không? Tôi nhìn dòng lũ cuồn cuộn chảy trước mặt và đành im bặt... Cha của chị Loan là ông Phạm Ngọc Tấn, năm nay đã 83 tuổi. Tuổi cao, sức yếu không biết ông Tấn có chống chọi được mưa, lũ dữ trong nhiều giờ liền!
Tờ mờ sáng, mưa vẫn to, hai chiếc, rồi ba chiếc ca nô của các lực lượng vũ trang đã tập kết ngay vùng rốn lũ để cứu hộ dân xóm Chồm Bầu thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh. Nước chảy siết, chiếc ca nô phải lượn lờ hồi lâu mới vào được tận nhà dân xóm Chồm Bầu. Nhiều tiếng kêu cứu của dân như át cả tiếng mưa, tiếng gió. Một người, ba người, rồi bảy người… được cứu hộ lên ca nô. Ai ai cũng bật khóc như vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chị Bùi Thị Hồng nghẹn ngào nói: “Tôi ngồi nóc nhà từ đêm nhưng sức khỏe còn gắng gượng được, chỉ thương mẹ già Trần Thị Mai (80 tuổi) bị mắc kẹt ở xóm dưới chưa cứu được!”. Còn ông Ngô Văn Ra (54 tuổi) bật thốt lên: “Vợ con tui được bộ đội biên phòng cứu vào bờ rồi, nhưng tui vẫn chưa thể yên tâm bởi xóm tui vẫn còn hàng trăm người đang chịu đói, chịu rét giữa dòng lũ đã hơn 8 giờ đồng hồ rồi…”.
Đứng ngay dưới mưa tại điểm cứu hộ người dân thôn Ngân Sơn, ông Lê Hoàng Sang, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, mực nước lũ ở đây đang vượt báo động cấp 3 trên 1m. Theo những người cao niên, đây là cơn lũ lịch sử lớn nhất kể từ hơn 70 năm trở lại đây xảy ra tại địa phương này. Hiện các xã An Cư, An Dân, An Nghiệp, An Định, An Thạch và thị trấn Chí Thạnh bị lũ lớn cô lập hoàn toàn, với hàng ngàn ngôi nhà đang chìm trong nước lớn. Trong khi đó, cầu gỗ An Hải đã bị nước cuốn trôi, kè Quảng Đức (xã An Thạch) cũng bị nước lớn đánh vỡ, sóng đánh chìm tại chỗ 4 chiếc thuyền của ngư dân xã An Ninh Đông. Tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc –
PHẢI CỨU HẾT DÂN, KHÔNG ĐỂ DÂN ĐÓI, RÉT
Đến chiều qua (4/11), nước lũ vẫn còn ngập sâu tại nhiều khu vực dân cư ở huyện Tuy An. Lực lượng công an, quân sự vẫn miệt mài dầm mình trong mưa lũ để đưa canô đi cứu hộ dân. Thượng tá Trần Hà Lan, Chính ủy Trung đoàn 910, cho biết, nghe tin đập Đá Vải ở TX Sông Cầu bị vỡ, gây ngập nặng làm chết nhiều người dân, từ lúc 3 giờ sáng ngày 3/11, chúng tôi đã huy động lực lượng cùng phương tiện ca nô đến cứu hộ TX Sông Cầu. Tuy nhiên, khi đến địa phận huyện Tuy An nước lũ đã gây ách tắc đường giao thông không thể đi được. Vậy là chúng tôi chuyển hướng cứu hộ dân vùng lũ Tuy An. Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Thành cũng cho hay, các cơ quan Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh Phú Yên, Không quân… đã điều động hơn 100 chiến sĩ, 9 chiếc ca nô cứu hộ dân TX Sông Cầu và đưa dân từ các vùng rốn lũ Tuy An lên vùng cao.
Các lực lượng cứu hộ đưa người dân vùng ngập lụt huyện Tuy an ra khỏi nơi nguy hiểm - Ảnh: D.T.XUÂN
Có mặt tại Phú Yên trong hai ngày qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã huy động thêm 8 chiếc ca nô của tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ Phú Yên cứu nạn dân vùng lũ Tuy An và huyện miền núi Đồng Xuân ngay trong đêm 3/11. UBND tỉnh Phú Yên xin Trung ương chi viện trực thăng phục vụ công tác cứu hộ.
Các lực lượng vũ trang Phú Yên đã cứu được hàng trăm người dân huyện Tuy An, ai cũng khấp khởi mừng. Song dưới cơn mưa chiều, tôi vẫn bắt gặp hàng chục người dân Tuy An vẫn bàng hoàng, vẫn đứng trước dòng lũ dõi trông về nơi căn nhà của mình bị cuốn phăng trong lũ dữ. Chị Trần Thị Hồng Loan than thở: “Tôi và nhiều người dân ở đây được cứu thoát chết rồi. Nhưng nhà cửa, tài sản bị trôi sạch theo lũ. Sạp vải tôi bán hàng ngày ở chợ Ngân Sơn để nuôi sống gia đình cũng đi theo lũ. Đứa con nhỏ Phạm Hiếu Cương, 7 tuổi bị bệnh thận đang nằm điều trị tại bệnh viện. Không nhà, trắng tay, không biết những ngày tới phải sống ra sao đây…”. Nhiều người dân được cứu khỏi vùng lũ đang phải sống nhờ nhà bà con hoặc ở tạm tại hội trường UBND thị trấn Chí Thạnh. Bà Võ Thị Nho, 70 tuổi, vừa được cứu khỏi rốn lũ Chồm Bầu đỏ hoe đôi mắt, tâm sự: “Lũ cuốn trôi 2 ngôi nhà của con tôi rồi, cuộc sống đã khổ lại càng khổ thêm. Còn tôi nuôi 20 con heo, mấy trăm con gà để nuôi sống tuổi già nhưng lũ cũng không tha”.
Lũ lịch sử chồng lên bão đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Phú Yên về người và của của người dân. Điều chắc chắn xảy ra là sau khi lũ rút, nhiều người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đói ăn, đói mặt. Trong những ngày lũ dữ hoành hành, đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn bám sát các vùng bị thiệt hại và chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng, địa phương phải ứng cứu hết dân mắc kẹt ở những vùng lũ ngay trong đêm 3/11 để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người; đồng thời phải cứu trợ ngay lương thực, thực phẩm không để dân phải chịu đói, chịu rét…
LƯU PHONG