10giờ sáng nay (4/11), chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên khi ở đoạn trũng nhất trước cổng bệnh viện, nước đã ngập đến thắt lưng. Ba khoa: Dinh dưỡng, Hành chính và Lao nước ngập đến gối; các khoa còn lại nước đang ngấp nghé.
“Đò” ra vào cổng bệnh viện
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết: Trước tình hình nước lũ lên quá nhanh, bệnh viện đã tập trung nhân lực để di dời toàn bộ tài liệu, trang thiết bị y tế và đưa toàn bộ bệnh nhân ở các khoa bị ngập nước lên tầng trên. Nhờ chủ động nên mọi hoạt động chuyên môn của bệnh viện không có nhiều xáo trộn. Hiện có 120 y, bác sĩ, cán bộ y tế đang trực 24/24 tại các khoa từ ngày 2/11 đến nay chưa thể đổi ca. 30 người của Đội cơ động phòng chống bão lụt cũng đang túc trực, sẵn sàng đưa bệnh nhân, thiết bị y tế đến nơi cao hơn.
Trong hai ngày 3 - 4/11, có 70 bệnh nhân nhập viện, đưa tổng số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện lên 500 người; có 10 ca bệnh phải tiến hành phẫu thuật. Khoa Nội đang bị quá tải, với 128 bệnh nhân/80 giường, phải kê thêm giường ngoài hành lang.
Khó khăn lớn nhất của bệnh viện và bệnh nhân là thiếu nước sạch và thực phẩm. Hai ngày nay, hệ thống nước sạch ngừng hoạt động, bệnh viện cung cấp 40 thùng nước đóng chai loại 20 lít cho các khoa nhưng vẫn không đủ; bệnh nhân và người nhà phải mua nước đóng chai để sinh hoạt. Thức ăn cho người nhà và bệnh nhân cũng đã trở nên khan hiếm. Bếp ăn từ thiện đóng cửa vì nước ngập, các hàng quán bên ngoài bán cầm chừng. Chị Nguyễn Thị Tuyết, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ngoại chấn thương, cho biết: “Bình thường 10.000 đồng một hộp cơm, lúc này họ tăng lên 15.000 đồng nhưng không có để mua. Từ chiều qua tới giờ phải ăn mì tôm”. Chị Võ Thị Sang, thân nhân người bệnh ở khoa Nhiễm, nói: “Người mạnh ăn mì còn chịu được, còn người bệnh thì tội quá!”. Những bệnh nhân thuộc diện nghèo, neo đơn càng khó khăn hơn. Ông Huỳnh Đi, 74 tuổi, ở Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) đang nuôi vợ bị bỏng nước sôi. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Ông nói như mếu: “Gần 20 ngày trước, vợ chồng tui nhờ bếp ăn từ thiện, hai hôm nay đành ăn mì tôm cầm bữa”.
Nhân viên khoa dinh dưỡng phải lội nước nấu ăn
Trước tình hình này, bệnh viện và bếp ăn từ thiện đã cấp 210 gói mì ăn liền từ nguồn dự phòng, huy động căn tin, khoa Dinh dưỡng làm việc hết công suất để phục vụ bệnh nhân và người nhà của họ. Riêng khoa Dinh dưỡng cung cấp bữa ăn miễn phí cho các trường hợp khó khăn. Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng, cho biết: Dù rất cố gắng, nhưng khoa cũng chỉ cung cấp mỗi bữa 50 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh cho biết thêm: Bệnh viện không thể cung cấp suất ăn miễn phí cho tất cả bệnh nhân, nhưng không để xảy ra tình trạng người bệnh bị đói, khát. Nếu tình trạng ngập lụt còn kéo dài, bệnh viện sẽ rất khó khăn.
Hiện trên các đoạn đường không ngập dẫn tới bệnh viện xuất hiện dịch vụ đưa đò và cộ bò của người dân để đưa người nhà, bệnh nhân xuất, nhập viện với giá khá đắt đỏ: từ 10.000 - 50.000 đồng mỗi người/lượt, tùy đoạn đường dài ngắn. Trong khi tại cầu Vạn Kiếp, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã bố trí một xe nhà binh và ca nô để chở bệnh nhân.
TRẦN QUỚI