Chiều qua (30/10), Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương phát đi bản tin cho biết hồi 13g ngày 30/10, vị trí tâm bão Mirinae ở vào khoảng 14,9 độ vĩ bắc, 124,6 độ kinh đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 340 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo đường đi của bão Mirinae |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được 20 - 25km. Như vậy, sáng nay (31/10), bão sẽ đi vào khu vực phía đông biển Đông. Đến 13g ngày 31/10, vị trí tâm bão vào khoảng 14,5 độ vĩ bắc, 119,6 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 13g ngày 1/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ vĩ bắc, 114,8 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng – Khánh Hòa khoảng 630km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 13g ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc, 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 30/10 vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Gần sáng và ngày 1/11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.
* Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên và ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn các bộ liên quan yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó với bão Mirinae. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, tìm nơi trú tránh, neo đậu đảm bảo an toàn.
Đề phòng mưa lớn trong những ngày tới, hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ sẵn sàng phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, chỉ đạo điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình, hạ lưu. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu. Bố trí trực ban 24/24g và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để đối phó, xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
HOÀI THƯƠNG
Phú Yên triển khai cấp tốc các phương án phòng tránh bão Mirinae * Từ chiều nay, không cho tất cả các tàu thuyền ra khơi Chiều qua (30/10), Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên họp triển khai cấp tốc các biện pháp phòng tránh bão Mirinae. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã thông báo công điện khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về cơn bão xa Mirinae. Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, địa phương tổ chức ngay các phương án phòng chống lụt bão, có biện pháp thông tin, chỉ đạo công tác phòng tránh bão với tinh thần quyết liệt, cảnh giác cao, theo phương châm tại chỗ là chủ yếu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Cụ thể, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phải trực 24/24g bắt đầu từ ngày 31/10; chủ động cảnh báo bão cho người dân biết; vận động tất cả thanh nhiên, nông dân, lực lượng xung kích địa phương phải tham gia ứng cứu dân khi có thiên tai xảy ra; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra các vùng xung yếu, dọc các con sông lớn, ven núi, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, triều cường; các công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập, nhà xưởng, ao đìa, lồng bè nuôi trồng thủy sản… để có biện pháp di dời, gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp tự giải quyết những công việc cấp bách tại địa phương; đối với những vùng trũng chưa có phao cứu sinh thì tiếp tục đề nghị tỉnh bổ sung gấp. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên chuẩn bị phương tiện xe, bảng số xe ưu tiên để sẵn sàng ứng cứu; liên hệ với các điểm cung cấp xăng sẵn sàng cấp xăng cho các đơn vị tham gia phòng tránh thiên tai; yêu cầu bốn lực lượng nòng cốt, gồm quân sự, công an, biên phòng, không quân cần tập trung để chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó với bão. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở, ban, ngành phải bố trí người trực 24/24g; sắp xếp tài liệu chống ẩm ướt; phải tổ chức đội xung kính bảo vệ đơn vị của mình một cách tốt nhất. Cơ quan khí tượng thủy văn, cách 2 tiếng đồ hồ phải cập nhật thông tin dự báo mưa, bão, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo phòng tránh. Sở Công thương chịu trách nhiệm về dự trữ tại chỗ lương thực, thực phẩm để sẵn sàng ứng cứu cho dân. Các đơn vị điện lực, bưu chính viễn thông cần đảm bảo điện, thông tin liên lạc để phục vụ cho dân ứng phó bão. Ban quản lý thủy điện Sông Hinh, thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Krông H’Năng phải điều tiết nước, vận hành hợp lý đảm bảo an toàn công trình, tránh xả lũ cùng lúc gây ngập lụt cục bộ cho vùng hạ du. Bộ chỉ huy Biên phòng, các địa phương phổ biến nâng cao ý thức của ngư dân trong phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn, hướng dẫn ngư dân phòng tránh, thông tin cứu hộ kịp thời, nhất là vận động ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn, hoạt động theo tổ, đội sẵn sàng cứu hộ khi tàu gặp nạn; đồng thời liên hệ với tất cả tàu thuyền đang đánh xa bờ phải chạy vào nơi gần nhất để trú tránh bão; bắt đầu từ 14g chiều 31/10 không cho tất cả các tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản. NGUYÊN LƯU