Thứ Bảy, 05/10/2024 16:23 CH
Ngăn chặn, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục:
Cần cách làm hiệu quả
Thứ Sáu, 30/10/2009 16:00 CH

Trong 9 tháng đầu năm 2009, Phú Yên đã phát hiện 14 trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD). Qua đó cho thấy, tình hình trẻ em bị XHTD có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, nhóm trẻ bị hại là học sinh lớp 4, lớp 5. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã có những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị XHTD? Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Yên Phạm Thị Tương Lai cho biết:

 

tuyen-truyen.091030.jpg

Cán bộ cơ sở tuyên truyền về cách phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và HIV/AIDS tại gia đình - Ảnh: T.THỦY

 

Với những trường hợp trẻ bị XHTD, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Các huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành. Chúng tôi đang tổ chức tập huấn và truyền thông phòng ngừa XHTD trẻ em ở cộng đồng. Chương trình đã được triển khai từ giữa tháng 10/2009 tại các xã trọng điểm ở Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An… cho ban giám hiệu trường học, giáo viên, lãnh đạo UBND xã, các ban ngành đoàn thể, trưởng phó thôn.

 

* Tình hình trẻ em bị XHTD ngày càng diễn biến phức tạp. Bà có thể cho biết những hậu quả để lại cho trẻ bị XHTD?

 

- Sự chênh lệch về phát triển, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, tệ nạn xã hội nảy sinh, sự biến đổi các giá trị đạo đức và lối sống…làm cho tình hình trẻ em bị xâm hại tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, trong đó có XHTD. Thực trạng trên đòi hỏi cán bộ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cán bộ cơ sở phải có năng lực phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các hành vi xâm hại đối với trẻ em.

 

XHTD không chỉ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho trẻ như mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có HIV/AIDS, các em gái có thể mất khả năng sinh sản, thậm chí có thể bị tàn tật hoặc dẫn đến cái chết. Về tinh thần, các em thường xấu hổ, hoảng loạn, sợ hãi; nghiêm trọng hơn cả là hậu quả để lại trong suốt cuộc đời của các em. Sự ám ảnh ghê sợ khi nhớ lại chuyện ấy, sự chán ghét và căm giận kẻ đã xâm hại mình luôn luôn làm cho các em có tâm lý hoang mang, xa lánh tất cả mọi người hoặc muốn trả thù đời, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.

 

Phần lớn các trường hợp XHTD trẻ em xảy ra trong gia đình. Kẻ lạm dụng thường là một người quen biết, thân thiết, có quyền lực áp đảo trẻ em, làm cho các em phải giữ kín “bí mật khủng khiếp” đó. Rất nhiều trẻ em không hiểu thực chất của sự xâm hại vào lúc chuyện này xảy ra, nhưng chúng biết rằng điều đó không thể kể ra được và với sự im lặng, các em không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ cho kẻ xâm hại mình.

 

* Vậy làm thế nào để ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị XHTD hiệu quả?

 

- Phải tăng cường tập huấn kỹ năng bảo vệ, phòng chống trẻ em bị XHTD tại các xã, phường trọng điểm trong toàn tỉnh cho cán bộ cấp xã, phường, thôn và đội tình nguyện viên phòng chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, tuyên truyền chính sách pháp luật sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nước ta có hệ thống luật pháp, chính sách nhằm bảo vệ, ngăn ngừa trẻ em bị XHTD. Mỗi hành vi phạm tội đều có hình phạt khác nhau. Ví dụ tại khoản 1, Điều 112 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phạt tù từ 7 đến 15 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì phạt từ 12 đến 20 năm: có tính loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại sức khỏe tỉ lệ thương tật từ 31-60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc; tái phạm nguy hiểm…

 

Về phía gia đình, cần giữ tang vật như quần áo, các đồ vật của đối tượng, của trẻ… để làm bằng chứng. Quan hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn, Đội và các lực lượng giáo dục để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ. Hướng dẫn cho trẻ cách tự bảo vệ: cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ lôi kéo dẫn đến nguy cơ bị XHTD; không để trẻ một mình ở nơi tối tăm vắng vẻ.

 

Khi trẻ bị XHTD, các em có những dấu hiệu tổn thương về thể xác và các biểu hiện sang chấn tâm lý ở những mức độ khác nhau. Do vậy, việc giao tiếp với trẻ để tìm cách giúp đỡ có ý nghĩa quan trọng. Cần giải thích cho trẻ hiểu rõ XHTD không phải là điều bí mật cần giấu giếm mà ngược lại, cần phải lên án hành động đó. Các em cần phải được giúp đỡ, cần có sự tin tưởng để hòa nhập.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

THU THỦY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek