Thứ Tư, 09/10/2024 15:22 CH
Đến với người khuyết tật bằng trái tim
Thứ Sáu, 07/08/2009 14:30 CH

Một chương trình sân khấu xúc động vừa diễn ra tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Đây là kết quả của sự hòa nhập và tập luyện của 36 thanh thiếu niên khuyết tật đến từ chín xã triển khai dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý ở Phú Yên. Sự thành công của dự án là giúp các em phát triển kỹ năng sống, giao tiếp...

 

dien-kich.090807.jpg
Trẻ khuyết tật diễn kịch - Ảnh: T.THỦY

 

SẢN PHẨM TỪ TRÁI TIM

 

Trong 5 năm (2004-2009), với sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, nhiều người khuyết tật trong vùng dự án thuộc chín xã của ba huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa đã được phục hồi chức năng về mặt thể chất, hỗ trợ phát triển kinh tế sau khi hòa nhập cộng đồng, bước đầu cải thiện chất lượng cuộc sống. Riêng tại huyện Phú Hòa, có 170 người được phục hồi về thể chất, trong đó có 165 người hỗ trợ kinh phí học nghề, tạo việc làm và đến trường.

Nhận ra lỗi lầm là ý nghĩa của vở kịch do nhóm thiếu niên khuyết tật lứa tuổi 14 đến 17 thể hiện. Thông điệp các em muốn gởi qua vở kịch này là không nên phân biệt, xem thường người khuyết tật, vì họ cũng rất có ích cho cuộc sống. Chị Phan Thị Liên, hướng dẫn viên nhóm tuổi này cho biết: “Vở kịch được dàn dựng từ ý tưởng các tranh vẽ của các em. Từng em đảm nhận phần vai diễn trong vở kịch như chính những gì các em thể hiện trong tranh”. Bé gái Nay Hờ Ben ở xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa) rất vui vì lần đầu tiên được tham gia chương trình văn nghệ, diễn kịch bằng hành động. Còn hai chị em sinh đôi Lê Thị Thu Thủy, Lê Thị Thu Thúy ở Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) thì tung tăng, phấn khởi vì được thể hiện một phần vở kịch và hát vang bài ca Chúng em cần bầu trời hòa bình.

 

A Lê Hờ Biên (18 tuổi ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) bị tật bẩm sinh ở chân, rất mừng vì bài hát do em sáng tác Tình thương mến thương được đưa vào vở kịch Tình bạn của nhóm tuổi 18 đến 20. Hờ Biên bộc bạch: “Hai năm trước, trong một lần đi chơi, em thấy cảnh những người tàn tật bị hất hủi, nên em đã sáng tác bài hát  này để một mình tự hát chơi. Vậy mà hôm nay, bài hát được sử dụng như một thông điệp để tuyên truyền”. Còn ở nhóm tuổi từ 20 đến 25, tác phẩm của họ thể hiện sự khát vọng tình yêu. Tuy thân thể không được nguyên vẹn, nhưng trái tim cũng bỏng cháy, mong muốn được yêu thương như bao bạn trẻ khác.

 

Giúp thanh thiếu niên khuyết tật thể hiện được ý tưởng xâu chuỗi từ quá khứ, hiện tại và tương lai là mục tiêu hoạt động của nhóm chuyên gia y tế Hà Lan, sinh viên công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các hướng dẫn viên ở tỉnh Quảng Trị. Họ giúp các em làm quen, giao tiếp, nâng cao khả năng biểu diễn nghệ thuật, tự hoàn thiện mình để hòa nhập cộng đồng.  Là một thành viên tích cực, anh Joop - đạo diễn người Hà Lan, cho biết: “Những ngày đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vì ngôn ngữ khác biệt, phải có người phiên dịch nên truyền đạt dễ gián đoạn. Tuy nhiên, kết quả mang lại rất cao. Tôi có nhiều tình cảm với người thiệt thòi nên đến với các em bằng cả trái tim. Qua đây, chúng tôi biết được những khó khăn của các em để tiếp tục giúp”.

 

MỘT CHƯƠNG TRÌNH NHIỀU BỔ ÍCH

 

tap-kich-1.090807.jpg
Nhóm trẻ khuyết tật đang diễn vở kịch “Tình bạn” - Ảnh: T.THẢO

 

Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý, cho biết: 36 thanh thiếu niên được tham dự hoạt động hè ở Phú Yên có những khuyết tật như câm điếc, tự kỷ, khó khăn vận động, nói lắp (ngọng), cơ thể bị gù, có hành vi xa lạ. Mong muốn của dự án là qua sử dụng nghệ thuật để giao tiếp, các em làm chuyển đổi nhận thức của bố mẹ, cộng đồng.

 

Em Phạm Thành Phương ở Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) mắc bệnh tự kỷ, không tiếp xúc với đám đông. Nhưng qua hai tuần sinh hoạt tập thể, Phương đã hòa nhập, biết quan tâm đến mọi người. Phương đã biết chào hỏi, mời mọc trước khi ăn, biết cười trước những sự việc vui. Đó là thành công của chương trình. Không chỉ có Phương, nhiều trường hợp thanh thiếu niên khuyết tật khác cũng đã thay đổi hành vi nhờ các hoạt động mà dự án triển khai.

 

Chương trình không chỉ giúp thanh thiếu niên khuyết tật Phú Yên nâng cao năng lực, phát triển tư duy và kỹ năng xã hội thông qua hoạt động sân khấu, mà còn hỗ trợ các em xây dựng tinh thần tự tin, phát huy tiềm năng bản thân, học cách giải quyết những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Phú Yên, nói: “Khuyết tật và đói nghèo có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cả hai yếu tố này vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của nhau. Trong đó, trẻ em khuyết tật là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội vui chơi và phát triển cá nhân… Chính vì vậy, tổ chức các hoạt động bổ ích trong dịp hè để các em cùng tham gia là vô cùng cần thiết. Chúng tôi đang chú trọng phát triển toàn diện cho người khuyết tật. Ngoài phục hồi chức năng, còn giúp họ phát triển về giáo dục, kinh tế, xây dựng kỹ năng sống để hòa nhập xã hội”.

 

THU THỦY- THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek