Thứ Sáu, 11/10/2024 11:22 SA
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân:
Huy động toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS
Thứ Sáu, 03/07/2009 19:00 CH

Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa chọn phường 2 (TP Tuy Hòa) triển khai mô hình điểm phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Phong trào này nhằm đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS về cộng đồng dân cư, đến từng gia đình, từng người dân, huy động sự tham gia của nhân dân vào công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ. Báo Phú Yên đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân về việc triển khai phong trào này.  

 

Chu-Quoc-An.090703.jpg

Triển khai mô hình điểm phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. - Ảnh: QUỐC HỘI

 

* Theo ông, phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” sẽ tác động như thế nào đến công tác phòng chống HIV/AIDS?   

  

 - Việt Nam đã tiến hành phòng chống HIV/AIDS gần hai mươi năm, đã làm được rất nhiều việc, bao gồm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; xây dựng, hoàn thiện tổ chức, đào tạo cán bộ; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể; huy động kinh phí, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế… Về mặt chuyên môn, chúng ta cũng đã làm rất nhiều việc, từ truyền thông thay đổi hành vi đến can thiệp giảm tác hại, giám sát dịch, chăm sóc người nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị cho bệnh nhân AIDS, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đảm bảo an toàn truyền máu, giám sát và đánh giá… Như vậy, có thể nói chúng ta đã áp dụng tổng thể các giải pháp được khuyến cáo, được thực hiện thành công trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, qua nhìn nhận của chúng tôi, các thông tin về HIV/AIDS vẫn chưa đến được với từng người dân, chưa đến được với nhiều cộng đồng dân cư. Trong khi đó, để không bị lây nhiễm HIV, bản thân người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Muốn vậy, họ phải có kiến thức, có thái độ đúng về vấn đề HIV, biết được các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

 

Qua nghiên cứu tình hình thực tế ở nước ta cũng như để thực hiện Chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010, Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký kết kế hoạch liên tịch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư”. Ngay cái tên phong trào đã nói lên rất nhiều điều. Đây là phong trào toàn dân, phát động đến từng người dân, tìm mọi cách thu hút được sự tham gia của người dân vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Người dân không còn thụ động trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tức là người dân không còn chỉ ngồi nghe thông tin qua báo, đài mà chủ động tìm hiểu thông tin, rồi mang thông tin mà mình biết được truyền đạt lại với người thân trong gia đình, với người hàng xóm. Từ đó, mọi người dân, người nọ hướng dẫn người kia biết cách phòng, chống HIV/AIDS; không kỳ thị, phân biệt đối xử với người đã nhiễm bệnh… Đấy chính là sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống HIV/AIDS.

 

Sự tham gia còn thể hiện ở chỗ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư được người dân, các gia đình hưởng ứng, ví dụ như các buổi nói chuyện về HIV/AIDS do địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… tổ chức, người dân quan tâm đến nghe và tham gia bàn luận. Chính vì thế, Mặt trận Tổ quốc có vai trò rất lớn trong phong trào này.

Nếu phong trào này được phát động một cách có kết quả, được các nơi, đặc biệt là cấp xã, phường hưởng ứng và có sự hỗ trợ về chuyên môn của lực lượng phòng chống HIV/AIDS, thì sẽ huy động được người dân tham gia một cách đông đủ, tích cực. Và kiến thức về HIV sẽ đến được với từng gia đình, vì chính người dân truyền đạt thông tin cho nhau. Quan trọng hơn là qua quá trình truyền đạt ấy, họ thảo luận được các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, thực hành các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Đấy chính là điều mà phong trào này hướng tới, là mục tiêu mà phong trào hy vọng đạt được.

 

* Đâu là những khó khăn sẽ gặp phải khi triển khai phong trào này, thưa ông?

 

Phong trào mới được phát động, đang từng bước được triển khai. Khó khăn chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình hoạt động, và đó cũng là chuyện đương nhiên. Chúng tôi có thể lường trước một số khó khăn, thách thức, như: bằng cách nào thu hút sự tham gia của nhân dân, bởi vì hiện nay nhân dân có quá nhiều vấn đề để quan tâm, có quá nhiều việc phải làm. Chính quyền cơ sở cũng vậy. Liệu họ có đủ thời gian và công sức để quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS một cách đầy đủ như chỉ thị của Đảng, như luật đã quy định cũng như chiến lược đã đề ra? Một vấn đề nữa là do người dân bận nhiều việc, trên địa bàn dân cư có rất nhiều hoạt động diễn ra, thế thì kết hợp các hoạt động này như thế nào, cách tổ chức truyền thông như thế nào để người dân tránh nhàm chán… Hay như trong hướng dẫn thực hiện kế hoạch, có việc thành lập nhóm nòng cốt, gồm đại diện các ban ngành đoàn thể ở thôn, khu phố hoặc xã, phường. Lực lượng này cũng đang làm rất nhiều việc. Vậy bằng cách nào thu hút họ làm nhiều hơn cho công tác phòng chống HIV/AIDS? Muốn làm tốt công tác này, những người nòng cốt phải có nhiều kiến thức về HIV/AIDS, có kỹ năng tiếp cận và thuyết phục mọi người...Trong một thời gian ngắn, bằng cách nào để đào tạo, tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho họ? Đấy cũng là một vấn đề thách thức...

 

Một khó khăn khác là tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ lực lượng nòng cốt, cung cấp tài liệu, trang thiết bị để họ hoạt động. Đấy cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

 

* Theo ông, làm thế nào để phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” đi vào chiều sâu, không chỉ có lượng mà còn có chất?

 

- Hai ngày ở Phú Yên chúng tôi đã bàn về vấn đề này, về tính bền vững của phong trào. Tất nhiên cũng chưa nói được gì nhiều vì chúng tôi chỉ mới triển khai mô hình điểm. Tuy nhiên, phong trào nào cũng vậy, muốn bền vững thì phải làm cho nó trở thành công việc thường xuyên của Đảng ủy, chính quyền địa phương, của khu phố, chi đoàn, chi hội… Để phong trào này bền vững, trước hết chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ vừa có kiến thức chuyên môn vừa có sự nhiệt tình. Và một khi chúng ta đưa được nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các sinh hoạt cộng đồng, ví như sinh hoạt tổ dân phố, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… theo định kỳ, họ bàn đến HIV/AIDS; lúc ấy không cần phong trào, hoạt động phòng chống AIDS vẫn diễn ra. Nếu hàng quý, hàng tháng, Đảng ủy địa phương họp, đánh giá, đề ra chủ trương, các biện pháp thúc đẩy công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới; hay trong kế hoạch hàng năm của UBND có công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, thì đương nhiên việc ấy sẽ diễn ra mà không cần có những tác động thêm. Nếu đã có kế hoạch là sẽ có kinh phí, không nhiều thì ít; sẽ có hoạt động cụ thể được chỉ ra; sẽ có sự phân công, phân nhiệm. Việc phát động phong trào theo tôi hiểu chỉ là nhằm tạo ra động lực để thúc đẩy điều đó diễn ra nhanh hơn, tập trung sự quan tâm chú ý của mọi người hơn.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek