Chủ Nhật, 13/10/2024 21:19 CH
Việt Nam nằm trong “ổ bão” lớn nhất thế giới
Thứ Sáu, 22/05/2009 10:30 SA

Là 1 trong 5 "ổ bão" lớn nhất thế giới, Việt Nam được cảnh báo đang và sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai.

 

nuoc-bien-090522.jpg
Hàng chục triệu người có thể mất đất trồng trọt hoặc nhà ở do nước biển dâng

 

12-15 triệu người mất đất do biến đổi khí hậu

 

Theo nhận định của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu (BĐKH). Những đợt thiên tai không còn theo quy luật thông thường mà thường xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, năm nay bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng ảnh hưởng đến nước ta nhiều và sớm.

 

Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho biết: Tất cả các công trình nghiên cứu đều khẳng định Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH, đó là hiện tượng nước biển dâng.

 

Các kết quả đo đạc, quan trắc cũng cho thấy trong vòng 40 - 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng lên từ 0,5 - 0,7 độ C, mực nước biển dâng đã cao hơn 20cm. Với một đất nước có hơn 3.200km bờ biển, tiếp xúc trực tiếp với biển Đông và nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm Việt Nam hứng chịu ít nhất 8 - 10 cơn bão lớn.

 

Do tác động của BĐKH, hiện tượng triều cường 20 - 30 năm trước đây ít gặp ở Việt Nam nhưng hiện đã xảy ra thường xuyên và diễn biến rất phức tạp tại vùng Trung Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TPHCM. 

 

Hiện các nhà khoa học đang theo dõi, tính toán 3 kịch bản BĐKH tại Việt Nam gồm: nước biển dâng 70 cm; nước biển dâng 1-1,5m; nước biển dâng đến 3m. Nếu theo kịch bản thấp nhất là nước biển dâng đến 70 cm thì trên 10% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập nước, ảnh hưởng đến 10% năng suất và sản lượng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, trên 80% diện tích ĐBSCL và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng chỉ cao hơn mực nước biển 2-2,5m. Còn nếu theo kịch bản nước biển dâng đến 3m thì toàn bộ vùng ĐBSCL và sông Hồng sẽ bị ngập.

 

Nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ đến các ngành, trước hết là ngành nông nghiệp. Đến nay 75% dân số Việt Nam đang sống, làm việc trên vùng đất nông nghiệp và nếu vùng đất nông nghiệp này bị ngập sẽ tác động đến 15% dân số tương đương với 12-15 triệu người. Theo đó, nước biển dâng cũng sẽ ảnh hưởng đến giao thông, xây dựng, hạ tầng và môi trường.

 

"Hơn 1 triệu km lãnh hải, trên 3.000 hòn đảo gần bờ và 2 hòn đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp ven biển hàng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. BĐKH và nước biển dâng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng trên" - ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết thêm.

 

Sẽ có khoảng hơn 10% tỷ lệ đất đai bị ngập sâu, bị mặn cực độ, diện tích ngập lụt tăng, khó khăn về thoát nước, tăng xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước, toàn bộ đất sản xuất liên quan bị biến đổi theo, kéo theo sự xáo trộn về mùa vụ, sâu bệnh khác thường, chưa kể đến thiên tai, lũ lụt, triều cường...

 

Nước biển dâng cũng gây rủi ro đến các công trình xây dựng ven biển như đê biển, đường giao thông, bến cảng, các nhà máy, các đô thị và khu vực dân cư ven biển.

 

Tái nghèo do BĐKH

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT bày tỏ lo lắng trước những nỗ lực của Chính phủ trong nhiều năm qua nhằm xóa đói, giảm nghèo, nhưng nếu không có giải pháp khắc phục và thích ứng với BĐKH thì hiện tượng tái nghèo sẽ xảy ra!

 

Để đối phó với tình hình, Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH đã được trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2008 với dự kiến kinh phí là 2.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 100 triệu USD. Khâu chuẩn bị sẽ kéo dài đến 2010.

 

Theo báo cáo, Việt Nam đã nhận được sự khẳng định giúp đỡ kinh phí khoảng 100 triệu USD nữa từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, những khoản kinh phí này chủ yếu để xây dựng các kịch bản, điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học, đánh giá tác động. Số tiền rất khổng lồ dùng để thực hiện trong giai đoạn khắc phục, hành động vẫn chưa tính toán được.

 

Hôm nay 21/5, tại nhà Văn hoá huyện Thanh Trì - huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận mưa lụt lịch sử xảy ra tại Hà Nội hồi cuối năm 2008 - đã diễn ra chương trình hưởng ứng ngày Quốc gia giảm nhẹ thiên tai, do Hội truyền thông thành phố Hà Nội, tổ chức cứu trợ trẻ em và nhóm quốc tế giảm nhẹ thiên tai (Jani) tổ chức.

 

Theo Jani, bối cảnh môi trường thiên tai xảy ra ở Việt Nam ra sao nhiều người biết, nhưng những hậu quả nặng nề vẫn thường xuyên lặp lại. Một trong những nguyên nhân là bởi cơ quan chức năng và bản thân người dân chưa sẵn sàng ở mức cao nhất để đối phó với thảm hoạ tự nhiên hoặc nhân tạo. Vì vậy, khẩu hiệu được đưa ra trong chương trình là  “Giảm nhẹ thiên tai - Chúng ta phải sẵn sàng”.

 

Theo DTO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek