Thứ Ba, 15/10/2024 03:23 SA
Thực hiện quy chế văn hóa công sở:
Cần thêm sự tích cực của cán bộ, công chức
Thứ Năm, 23/04/2009 15:00 CH

Quy chế Văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực từ năm 2007, nhưng đến nay nhiều điều trong quy chế mới được cán bộ, công sở một số địa phương thực hiện “cầm chừng”. Tại một số nơi, người dân vẫn phiền lòng về thái độ, phong cách làm việc của một bộ phận cán bộ công chức (CBCC).

 

phuong-2-090423.jpg

Lãnh đạo và cán bộ UBND phường 2 (TP Tuy Hòa) giải quyết công việc cho dân - Ảnh: K.CHI

 

VẪN CÓ NƠI PHỚT LỜ QUY ĐỊNH

 

So với những năm trước đây, thái độ tiếp dân của CBCC ở các cơ quan công quyền hiện đã bớt cửa quyền, sách nhiễu, hách dịch. Tuy nhiên, tình trạng bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định về quy trình, thủ tục thời gian hoặc thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân vẫn xảy ra. Chính điều này làm cho công chức và người dân có “khoảng cách”, người dân ngại tiếp xúc với công chức, chỉ muốn thông qua người quen để giải quyết công việc cho nhanh. Nguyên nhân của vấn đề trên có một phần do cán bộ hành chính chưa thực hiện đúng những quy định trong việc giải quyết thủ tục hành chính, đơn vị đó lại không niêm yết công khai các quy trình nên người dân không nắm được để giám sát cách làm việc của các cơ quan công quyền.

 

Bên cạnh đó, còn nhiều điều mà quy chế đề ra nhưng các đơn vị không thực hiện nghiêm túc, như việc đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, giờ giấc làm việc, hút thuốc trong phòng làm việc, thái độ giao tiếp với đồng nghiệp và với nhân dân… Thậm chí ngay một việc bình thường là giữ xe cho khách cũng không được bố trí hợp lý, khiến người dân bất bình. Điều 16 của Quy chế Văn hóa công sở nêu rõ: “Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện đi lại của CBCC, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc”. Tuy nhiên, thực tế một vài công sở vẫn vô tư cho thuê chỗ giữ xe, thu tiền giữ xe của người đến giao dịch.

 

KHÔNG CHỈ BIẾT LẮNG NGHE

 

Về việc giao tiếp, ứng xử với nhân dân, điều 9 của Quy chế Văn hóa công sở quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc” và “Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ”.

 

Song thực tế, số CBCC chịu nhã nhặn, lắng nghe không nhiều, trong khi thực tế đòi hỏi người cán bộ không chỉ biết lắng nghe. Ông Nguyễn Chí Tụ, cán bộ bộ phận “một cửa” UBND phường 4 (TP Tuy Hòa) cho biết: Làm ở bộ phận một cửa, hằng ngày chúng tôi tiếp không biết bao nhiêu lượt người dân, nếu đơn giản là tiếp xúc trực tiếp với dân và lắng nghe không thôi thì chưa đủ, mới chỉ giải quyết được một phần yêu cầu công việc. Người dân có thể sẽ nguôi bức xúc tạm thời, nhưng họ chưa bằng lòng và có thể đi lại phường nhiều lần, rất mất thời gian và công sức.

Điều đó cho thấy, CBCC cần phải có đủ tâm và lực để hoàn thành nhiệm vụ là lắng nghe và hướng dẫn rõ ràng cho dân hiểu. Có như vậy mới góp phần làm giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng và kéo dài. Một lần làm việc tại UBND một phường ở TP Tuy Hòa, chúng tôi thấy có người nói to tiếng, la lối. Cán bộ phường dường như đã quen với việc này. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, những công dân này vẫn thường đến UBND phường này để “hỏi cho ra lẽ” về mấy việc liên quan đến nhà cửa, đất đai nhưng vẫn không được giải thích thỏa đáng nên tiếp tục đến hỏi. Còn cán bộ “một cửa” của phường cho biết, cán bộ tiếp dân đã giải thích mãi nhưng những người dân này… không hiểu (?).

 

Việc thực hiện Quy chế Văn hóa công sở sẽ không thể đạt kết quả cao nếu các đơn vị chỉ thực hiện theo kiểu hô khẩu hiệu. Cần phải có những tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện của cơ quan, tổ chức để mọi người phấn đấu; có sự thưởng - phạt cụ thể, đúng mức đối với những người làm tốt và chưa tốt. Đồng thời cần đưa ra thảo luận thường xuyên trong nội bộ cơ quan về nội dung của quy chế để mọi người dần có ý thức, biến đó thành nền nếp, thói quen. Có như vậy mới duy trì được nếp sống văn hóa ở công sở nói chung và đáp ứng được sự mong mỏi của người dân khi đến các cơ quan công quyền nói riêng. Như vậy cũng là một cách học tập và làm theo lời Bác: “Cán bộ là những công bộc tận tụy của nhân dân” và “Người cán bộ cách mạng phải kính trọng, lễ phép với nhân dân”.

 

 

VŨ VIỆT - KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek