Thứ Năm, 03/10/2024 20:29 CH
An Xuân: Nước chảy qua đèo
Thứ Hai, 08/05/2006 08:13 SA

Ở độ cao 420 mét so với mực nước biển, xã An Xuân (huyện Tuy An) nằm trên cao nguyên An Xuân, tiếp giáp với cao nguyên Vân Hoà (Sơn Hòa). Nơi đây đất bằng, trảng rộng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Có người đã ví An Xuân là “Đà Lạt của Phú Yên. Gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân rộng mênh mông với đất đỏ bazan phù hợp với giống chè thơm một thời lừng danh. Song chúng đã lụi dần do đất ngày càng khô hạn. Cả việc trồng cỏ để nuôi bò cũng khó thực hiện .Tất cả những bài toán về việc phát triển cây trồng,vật nuôi và qui hoạch dân cư ở đây đều bó tay trước một câu hỏi: Nước?

 

RUNG RINH NƯỚC CHẢY QUA ĐÈO

 

060508-Ba-Pham-Thi-Nuoi.jpg

Nước sạch về đến tận nhà bà Phạm Thị Nuôi ở vùng 3 xã An Xuân - Ảnh: D.T.X

Khi Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Phú Yên (TT NS-VSMT) xây trên Gò Thì Thùng, bên cạnh trụ sở UBND xã An Xuân một đài nước cao 10 mét với sức chứa 20 mét khối để cung cấp nước cho cả vùng, vẫn có người lắc đầu: Mấy ổng làm cho tốn kém chớ chắc gì có nước dùng! Cho đến khi nước bắt đầu chảy trong ống về đến lưng chừng dốc  vùng 2, nước đổ xuống vùng 6 và về đến vùng 3, vào tận từng nhà thì nhiều người mới gật gù đồng ý. Có người bảo: Bao đời nay không ai tin được nước lại chảy trên Gò Thì Thùng!

 

Sáng 5-5-2006 nhân triển khai Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2006, TT NS-VSMT tỉnh Phú Yên đã bàn giao công trình này cho xã An Xuân. Công trình có vốn đầu tư  lên đến 1,45 tỷ đồng. Nước lấy từ các giếng khoan trong lòng hồ  Suối Bướm được bơm lên trên đài nước và từ đó theo hệ thống ống dẫn dài 7.821 mét cung cấp về các Vùng 2, 3 và 6 để phục vụ cho 1400 người với mức dùng 35 lít /người/ngày đêm. Đó là theo hồ sơ thiết kế, còn theo ông Nguyễn Hữu Thứ, Giám đốc TT NS-VSMT tỉnh Phú Yên, sau khi bơm thử, công suất thực tế đã đạt được mức cung cấp đủ cho 2000 người sử dụng với lượng dùng 60 lít/người/ ngày đêm. Đây quả là điều kiện lý tưởng để “xanh hoá”An Xuân, một xã từng là căn cứ kháng chiến, một vùng đất giàu tiềm năng nhưng bao đời nay luôn khát nước.

 

Chúng tôi vào một căn nhà ven đường ở vùng 3. Đó là nhà bà Phạm Thị Nuôi. Bà vừa đi chăn bò từ ngoài rẫy về. Nhốt bò vào chuồng xong, bà nhẹ nhàng vặn vòi nước từ trụ cấp nước xây bằng xi măng. Nước tuôn chảy ào ạt. Bà sảng khoái lau mặt và cười mãn nguyện nói với khách: Bây giờ  có nước tận nhà là sướng rồi! Trước đây đi rẫy về lại phải đi gánh nước ở giếng đá dưới chân dốc. Mùa nắng còn đỡ ,mùa mưa trơn trợt, gánh được đôi nước về tới nhà khổ muốn chết !

 

Có lẽ bà con ở vùng 6 là những người vui mừng nhất từ khi nước bắt đầu chảy vào đến tận nhà. Kết cấu địa tầng ở vùng này phức tạp. Lớp trên thì đất tơi xốp, nắng bụi mưa bùn, nhưng đào xuống khoảng hai mét là gặp đá tảng, không thể đào giếng được. Cách phổ biến nhất để có nước là kéo đường ống nhựa màu đen, nhỏ bằng ngón tay út, dài hàng trăm thước từ trên cao về nhà. Nước cứ thế rỉ rả chảy ngày chảy đêm vào các thùng chứa, bể lọc. Gặp lúc ống nước bị rò rỉ hoặc bị đứt ở đâu đó, cả nhà phải toả đi lùng để gắn lại. Gặp khi trâu bò quậy đục nguồn nước, cả xóm phải chịu chung cảnh nước bùn! Ông Lê Văn Hùng ,48 tuổi cho biết: Ngay từ khi đường ống mới về đến đầu xóm, ông đã nghĩ đến việc khai thác khu vườn rộng mênh mông nhưng ngày trước phải bỏ hoang vì chẳng cây nào sống nổi khi không có nước tưới. Mới đây ông đã giâm được 50 nọc tiêu, và vườn tiêu của ông đang mơn mởn những chiếc lá tươi non. Ông bảo: Tất nhiên là phải trả tiền nước, nhưng dù sao cũng  đỡ hơn trước đây phải đi xa hàng cây số để chở nước về dùng.

 

Chủ đầu tư cho biết: Công suất thiết kế của công trình này dư sức để bà con dùng trong sinh hoạt. Hiện chưa có kế hoạch  phục vụ nước tưới cho cây trồng. Nhưng khi đã có nước và biết sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, những mảnh vườn  thơm, mít và nhiều giống cây trái đặc sản chịu được đất đỏ An Xuân sẽ có điều kiện đem lại thu nhập cho nhiều bà con.

 

VUI LẮM NHƯNG VẪN CÒN LO!

 

Ở An Xuân, ai cũng vui mừng trước viễn cảnh tươi đẹp của quê hương mình. Tuy nhiên, ngay trong ngày bàn giao, chúng tôi cũng ghi nhận được một số ý kiến có tính “phản biện”. Có ý kiến lo ngại về giá nước và việc thu tiền nước sinh hoạt .Bà con đa số đều nghèo, xưa nay quen tập quán xài nước miễn phí, liệu có “nhiệt tình ủng hộ” đơn vị cung cấp nước? Có ý kiến lo ngại về việc bảo quản các hạng mục công trình được xây dựng ở những nơi vắng vẻ… Lo nhất là nguồn nước ngầm không thể là vô tận. Chủ một căn nhà bên cạnh hồ Suối Bướm cho biết: Ngày trước hồ này rất rộng và rất sâu. Đã từng có người chết đuối trong hồ. Hiện nay lòng hồ đang bị bồi lấp và cạn dần, có thể đi trên các đám cỏ ngang qua hồ mà không sợ sụp xuống nước. Liệu trong thời gian tới, với mức sử dụng “vô tư”, hồ này sẽ cung cấp nước được bao lâu? Ngoài việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, UBND xã An Xuân , đơn vị sử dụng công trình và cả TT NS-VSMT tỉnh cần tính đến phương án dự phòng, khi nguồn nước ở đây bị cạn.

 

Ông Nguyễn Hữu Thứ, GĐ TT NS-VSMT cho biết nước ở đây được lấy từ hai nguồn: Trong đá nứt nẻ và từ mạch lộ. Nước từ trong đá nứt nẻ rất tốt, còn nước từ trong mạch lộ có nhiều phèn cần phải xử lý. Tuy vậy chất lượng nước nói chung là đảm bảo. Đảm bảo  tới mức nào chưa rõ ,chỉ biết ngay lúc đi cùng đoàn nghiệm thu, chúng tôi phát hiện con ễnh ương nổi lều bều trong giếng bơm, đã giơ máy ảnh lên chụp, khiến “chủ nhà” hốt hoảng đi tìm gàu múc vớt xác nó lên và vứt đi. Hồ Suối Bướm ở giữa một khu dân cư, là chỗ trũng nên mọi thứ nước đều đổ dồn vào đây, kể cả rác. Đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước là điều đáng quan tâm của nhiều người.

 

Trong ngày vui nước về một cụ cao niên phát biểu: Thấy nước chảy là mừng, còn nó chảy được bao lâu thì phải chờ xem đã! Sự lo ngại này không phải là không có cơ sở, vì không ít “công trình” được xây ở đây có tuổi thọ khá ngắn ngủi. Mấy năm trước bà con vùng 4  đã mừng hụt vì một “công trình nước sạch” xây lên đã không chảy được, một thời gian sau thì …quên luôn!

 

DƯƠNG THANH XUÂN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek