Triển khai chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Người tâm thần đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI |
Các ngành chức năng, địa phương đã triển khai đồng bộ chính sách trợ cấp hằng tháng cho gần 2.500 người tâm thần (NTT), tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc đối tượng, giúp ổn định cuộc sống. Đặc biệt, nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 hằng năm, các địa phương triển khai nhiều hoạt động với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ việc chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Công tác chăm sóc người NTT ngày càng trở thành một thách thức và gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Sau khi điều trị ở các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân được trở về gia đình rất cần sự hỗ trợ của người thân và cộng đồng để giúp họ hòa nhập. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quá khó khăn, không có điều kiện đành để người bệnh lang thang hết sức thương tâm, làm cho bệnh tình của họ ngày càng trầm trọng.
Hiện nay, để triển khai chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, tỉnh có hơn 800 cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội cấp xã và thôn. Lực lượng này làm nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn chủ trương, chính sách; tư vấn tâm lý và trợ giúp xã hội đối với NTT và gia đình có người bệnh để họ có điều kiện vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Để chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, nhân viên công tác xã hội cần thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới tiến trình trợ giúp trực tiếp một cá nhân cũng như các hoạt động nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức của các thành viên gia đình, cộng đồng và tạo ra những thay đổi tích cực.
Thông thường, một số người có vấn đề về rối loạn tâm thần cho rằng tình trạng bệnh của họ là do một thế lực ma quỷ hoặc chúa trời xử phạt ở kiếp trước... Vì vậy, không ít gia đình từ chối mọi hình thức chữa trị có tính khoa học và tìm tới cúng bái trừ tà ma hoặc sử dụng các loại thuốc tự chế. Bởi vậy, nhân viên công tác xã hội nên giải thích, tư vấn giúp người bệnh và gia đình thay đổi quan điểm, nhận thức...
Để giúp NTT, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí từng bước hòa nhập cộng đồng cần tiếp tục huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp về tinh thần, vật chất, chăm sóc và phục hồi chức năng cho họ; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp sớm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời hỗ trợ các gia đình có NTT, người rối nhiễu tâm trí biết cách sử dụng các dịch vụ xã hội nhằm giúp họ trong quá trình điều trị; hỗ trợ mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết; chi phí khám, chữa bệnh thông thường trong thời gian NTT lưu trú tại cơ sở; hỗ trợ cho người trực tiếp tư vấn trị liệu tâm lý và hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho NTT, rối nhiễu tâm trí.
NGUYỄN VĂN TỤY
(Sở LĐTB&XH)