Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng… là những nội dung mà tỉnh đặc biệt quan tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu nhằm giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhiều mô hình, dự án được triển khai
Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Cùng với xây dựng trên 30 mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, toàn tỉnh đã thực hiện 54 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp với 353 hộ tham gia, trong đó có 120 hộ nghèo, 204 hộ cận nghèo và 29 hộ mới thoát nghèo. Các mô hình phổ biến như nuôi bò cái lai, dê, heo đen sinh sản; nuôi vịt xiêm thịt, gà thương phẩm.
Gia đình ông Võ Đại Mộng ở xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, mấy năm qua chỉ trông chờ vào việc làm thuê nên thu nhập thấp, luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2022, ông Long được Nhà nước hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Hằng ngày, ông ra đồng cắt cỏ cho bò ăn, rồi được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Chỉ sau 2 năm, bò mẹ sinh bê. “Tôi rất biết ơn Nhà nước đã hỗ trợ công ăn việc làm, hướng dẫn sản xuất để gia đình có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”, ông Mộng thổ lộ.
Tây Hòa là một trong những địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Đặng Nguyên Dương, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Tây Hòa cho biết: UBND huyện đã ban hành quyết định hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. UBND các xã, thị trấn cũng triển khai đến cộng đồng dân cư để lựa chọn và xây dựng dự án, kịp thời giúp hộ nghèo chăm lo sản xuất. Toàn huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm 178 hộ nghèo.
Khơi dậy ý chí vươn lên
Theo ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cụ thể là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và triển khai đồng bộ các giải pháp, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất nông, lâm, diêm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.
“UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai các dự án hỗ trợ phát triển trong sản xuất nông nghiệp cần chú ý đến tiến độ thời gian đảm bảo phù hợp với thời vụ trong lĩnh vực sản xuất và chu kỳ tiêu thụ sản phẩm để vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi vừa nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, để nâng cao thu nhập cho hộ tham gia dự án”, ông Thắng đề nghị.
Toàn tỉnh đã thực hiện 54 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp với 353 hộ tham gia, trong đó có 120 hộ nghèo, 204 hộ cận nghèo và 29 hộ mới thoát nghèo. Các mô hình phổ biến như nuôi bò cái lai, dê, heo đen sinh sản; nuôi vịt xiêm thịt, gà thương phẩm. |
HOÀNG LÊ