Trong 2 ngày 13 và 14/9, tại TP Tuy Hòa, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ công tác chính sách - luật pháp và đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản khu vực phía Nam bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÁI HÀ |
Tham dự hội nghị có đại diện hội LHPN 43 tỉnh, thành; trong đó, 20 đơn vị tham dự trực tiếp tại Phú Yên. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đàm Thị Vân Thoa cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới”.
Để thực hành dân chủ, các cấp hội trên cả nước đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền làm chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; vận động phụ nữ chủ động tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương; tham gia có trách nhiệm các hoạt động đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp ý cho cán bộ, đảng viên…
Kết quả, thực hiện công tác chính sách - luật pháp và đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy: Hầu hết các tỉnh, thành đều chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách với nội dung, hình thức giám sát đa dạng, linh hoạt. Có 37/63 tỉnh, thành thực hiện phản biện xã hội; 43/63 tỉnh, thành đã đề xuất thành công 82 chương trình, đề án, dự án.
Đại diện Hội LHPN tỉnh Bình Thuận phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: THÁI HÀ |
Trong khuôn khổ chỉ tiêu dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 1.822 cuộc đối thoại chính sách được tổ chức.
Các cấp hội đã chủ động triển khai các văn bản mới được ban hành; nhân rộng mô hình phổ biến pháp luật gắn với tư vấn pháp luật; chủ động hơn trong công tác giải quyết đơn thư, lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, công tác góp ý, phản biện xã hội ngày càng có chất lượng; công tác giám sát được thực hiện bài bản; các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hành dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh.
Để công tác chính sách - luật pháp, đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản phát huy hiệu quả, hội thảo đã đưa ra các phương hướng: Tăng cường tập huấn chuyên sâu cho cán bộ hội; đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật; thực hành dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vào quá trình xây dựng và thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; điều chỉnh cách thức, giải pháp chỉ đạo, thực hiện phù hợp với thực tiễn.
THÁI HÀ