Ngày 9/9, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn về bão số 3 với các Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng Chủ tịch Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp và bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam, đồng Chủ tịch Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai về việc hỗ trợ các địa phương Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bão số 3 một cách hiệu quả, từ đó giúp công tác cứu trợ không bị trùng lặp, tránh lãng phí.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ.
Tính đến 11 giờ 30 phút ngày 9/9, bão số 3 đã làm 59 người chết và mất tích với nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác. Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức khác đang nỗ lực phối hợp, giúp đỡ các địa phương bị ảnh hưởng lớn bởi bão số 3.
Hiện các đối tác cam kết hỗ trợ 3.000 bộ vệ sinh cá nhân, 1.000 bộ dụng cụ gia đình, 1.000 bộ bếp, 2.000 bộ dụng cụ sửa nhà cho Việt Nam và gói hỗ trợ này sẽ về tới cửa khẩu nước ta trong vài ngày tới.
"Với các nguồn cứu trợ khẩn cấp như hàng hóa, tiền mặt, tôi cho rằng sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ để khắc phục hậu quả như sửa chữa nhà cửa, đảm bảo sinh kế và an toàn xã hội còn hữu ích hơn nữa. Tôi tin rằng, với sự tham gia đầy đủ và nhiệt tình của các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ giúp việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Chia sẻ quan ngại của Việt Nam về khu vực miền núi với những cộng đồng dễ bị tổn thương, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi luôn sẵn sàng huy động nhóm của mình để hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ lương thực ...; hy vọng, Chính phủ Việt Nam có sự đánh giá chính xác thiệt hại để việc hỗ trợ được nhanh nhất và đúng nhu cầu".
Cảm thông với những tổn thất, thiệt hại về người và hạ tầng của Việt Nam, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay: "Chúng tôi có thể phối hợp với các đối tác để mua nguồn nước sạch cho các gia đình miền núi bị ảnh hưởng, hỗ trợ tiếp cận vệ sinh môi trường cho phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, đối với các trường học bị ảnh hưởng, chúng tôi muốn tìm hiểu nhu cầu cần thiết để hỗ trợ".
Theo ông Remi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ: "Chúng tôi có thể cùng các nhóm triển khai hỗ trợ nhanh việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, tiền mặt và phục hồi sinh kế, đồng thời cam kết hỗ trợ các tình huống khẩn cấp đối với Việt Nam".
Đại diện Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam thông tin, chiều 9/9, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam sẽ triển khai việc cứu trợ tại Hải Phòng, Quảng Ninh.
Đối với các tỉnh khu vực phía bắc, hiện Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đang tổ chức các hoạt động hỗ trợ ban đầu và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất vẫn là thủ tục nhận các nguồn hỗ trợ quốc tế đối với Việt Nam mất nhiều thời gian, do vậy, cần có sự hỗ trợ về mặt thủ tục để các nguồn hỗ trợ đến được với các đối tượng tổn thương do thiên tai một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho hay ngày 10/9, các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ chia thành 3 đoàn đi đánh giá thiệt hại tại Quảng Ninh, Hải Phòng và 1 tỉnh miền núi phía bắc (chúng tôi sẽ thông tin lại địa điểm đánh giá thiệt hại tại tỉnh miền núi phía bắc sau cho các đối tác).
Tại cuộc họp, các đối tác rủi ro thiên tai đã trao đổi, chia sẻ với những tổn thất do bão số 3 gây ra tại Việt Nam, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống cộng đồng tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Theo TTXVN/Vietnam+