Cả tỉnh có gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 2 trường hợp mắc ho gà, 1 trường hợp mắc rubella và 1 trường hợp mắc sởi; trong đó 1 trường hợp sốt xuất huyết, 2 trường hợp dại, 1 trường hợp sởi và 1 trường hợp thủy đậu tử vong trong 8 tháng qua.
Con số đáng báo động này vừa được Sở Y tế cho biết tại hội nghị Phòng chống dịch bệnh trong trường học và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Trong phạm vi cả nước, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và sởi tăng cao so với những năm trước, trong đó bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Có 18 tỉnh, thành phố nguy cơ dịch bệnh sởi gia tăng. Điều đáng lo ngại là một số bệnh đã có vắc xin phòng ngừa, nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát và có ca tử vong, trong đó có bệnh sởi và dại.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, do từ năm 2021 ảnh hưởng dịch COVID-19, việc tiêm chủng đúng định kỳ không được thực hiện đầy đủ, khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin gia tăng, như: bạch hầu, ho gà, đặc biệt là bệnh sởi đang lây nhiễm rất mạnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sau đại dịch COVID-19, tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam sẽ gia tăng số ca bệnh truyền nhiễm.
Trong các loại bệnh thì bệnh sởi sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp, viêm loét giác mạc… Trong khi đó bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em. Do chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi nên cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin. Hiện ngành Y tế đang khẩn cấp tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ 1-10 tuổi nhằm tăng tỉ lệ miễn dịch; đồng thời có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét vắc xin cho tất cả 11 bệnh lây nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, không chỉ vắc xin sởi và ho gà.
BS Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Năm học mới 2024-2025 bắt đầu, học sinh các cấp quay trở lại trường học; thời tiết cũng chuyển mùa nên nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao, tập trung vào các bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, ho gà… Vì vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến phức tạp, khó lường, có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới. Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra, ngành Y tế Phú Yên chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chăm sóc người bệnh khi dịch bùng phát. Về phần mình, các bậc phụ huynh không được chủ quan, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng liều, đúng thời gian, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Một khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng vào cuộc chủ động phòng chống thì dịch bệnh mới được khống chế và từng bước đẩy lùi; sức khỏe người dân mới được đảm bảo, cuộc sống mới được bình yên và an toàn hơn.
NGUYỄN QUANG