Ngày 24/5, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) tổ chức khóa bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho gần 40 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nhấn mạnh: Phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật và LGBTI (những người có khuynh hướng tình dục, bản dạng giới, biểu hiện hoặc tập hợp các đặc điểm giới tính có xu hướng bị phân biệt đối xử) là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội.
Trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử. Báo chí và các phương tiện truyền thông giúp thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của một số nhóm nhất định trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cần thiết về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, nhất là những thay đổi về luật và chính sách của Nhà nước cũng là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực hơn vào xã hội.
Khóa học trang bị cho các nhà báo kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao nhận thức và xóa bỏ định kiến xã hội về các nhóm này; đồng thời đề cao trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử bằng cách cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan.
Các diễn giả hỗ trợ các nhà báo trong việc thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của các nhóm dễ bị tổn thương, cung cấp thông tin về các dịch vụ và cơ hội, thúc đẩy các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.
KIM CHI