Đội ngũ chủ tịch hội phụ nữ cơ sở là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa các phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ công tác hội, qua đó góp phần phát triển tổ chức hội và phong trào phụ nữ địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu cán bộ hội năng nổ nhiệt tình thì ở đó phong trào hội sôi nổi, phát triển, hội viên được hưởng lợi.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) hỗ trợ, động viên cháu bé mồ côi mẹ Nguyễn Thị Bích Triêm. Ảnh: THÁI HÀ |
Tiên phong, tâm huyết
Là Chủ tịch Hội LHPN xã An Nghiệp (huyện Tuy An), chị Dương Thị Thanh bám sát cơ sở, gần gũi với chị em, nắm rõ từng hoàn cảnh khó khăn ở địa phương để tìm cách giúp đỡ kịp thời; quan tâm kêu gọi chị em tích cực tham gia hoạt động tương trợ thắt chặt thêm tình đoàn kết trong hội viên.
Để phong trào trở nên thiết thực, phù hợp với điều kiện sống của hội viên, chị Thanh có nhiều sáng kiến, mô hình hiệu quả, phù hợp tại cộng đồng. Trong đó, các CLB văn nghệ, TDTT; CLB tiểu thương; CLB phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường; hoạt động bán bánh gây quỹ cho trẻ em mồ côi khó khăn… do hội triển khai được hội viên phụ nữ xã An Nghiệp đồng tình ủng hộ và tham gia đông đảo; được cấp ủy, chính quyền xã An Nghiệp đánh giá cao.
“Khi triển khai các phong trào, mô hình CLB đúng với nhu cầu thực tế, chị em sinh hoạt thấy vui, ý nghĩa, đúng với nguyện vọng, thì khi đó việc thu hút chị em cũng dễ dàng hơn”, chị Thanh cho biết.
Tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), chị Lê Thị Thu, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Liên Trì cũng là cán bộ năng nổ nhiệt tình, luôn đi đầu trong mọi công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiếp tục triển khai các hoạt động vì môi trường, năm 2023, chị Thu đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cùng nhau trang bị thùng rác và ra mắt mô hình Nhà tôi bỏ rác vào thùng, với sự tham gia ban đầu của 150 thành viên.
Mô hình đơn giản nhưng thiết thực đã có sức lan tỏa mạnh, đến nay thu hút 450 thành viên tham gia, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng xã Bình Kiến trở thành phường của TP Tuy Hòa trong thời gian tới.
Với phương châm: “Nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin”, rất nhiều cán bộ hội cơ sở được chị em hội viên quý mến, nể phục bởi sự tiên phong, hoạt bát, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đối diện với khó khăn, đưa phong trào hoạt động của hội ngày càng đi vào chiều sâu; giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống… Với nhiều mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng, các chị được hội viên phụ nữ tín nhiệm, tin tưởng.
Nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển của địa phương
Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với những mô hình cụ thể, hiệu quả, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành chỗ dựa giúp hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
Thôn Tân Lập nằm ở phía Nam của xã Ea Ly, được thành lập từ năm 1989, có tổng diện tích tự nhiên là 720ha, với 979 nhân khẩu và hơn 225 hội viên phụ nữ, bao gồm 6 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Sán Dìu cùng sinh sống. Tích cực vận động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lập đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tham gia các lớp học nghề…
Theo bà Đàm Thị Điệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lập, thôn có 118 hộ gia đình hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số vốn hơn 5,3 tỉ đồng. Hội đã hướng dẫn các chị sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; hằng tháng nộp lãi, gửi tiết kiệm; đến hạn trả gốc đầy đủ cho ngân hàng. Tổ vay vốn do chi hội quản lý luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Ngoài hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lập còn triển khai các mô hình thực hành tiết kiệm, giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bền vững, mô hình vần đổi công hỗ trợ nhau sản xuất nông nghiệp… Từ nỗ lực chung của hội phụ nữ cơ sở và hội viên, đến nay trong thôn còn 9 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Việc đa dạng hóa các hoạt động của hội đã thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt, chi hội phụ nữ thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu xuất sắc”, bà Điệp nói.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Cụ thể hóa phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, xem mục tiêu của đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội là để thu hút và tập hợp hội viên, trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng: Hướng mọi hoạt động về cơ sở, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, phát động thi đua có chủ đề, chủ điểm, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực để chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện; tiến hành rà soát các mô hình hiệu quả để nhân rộng, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia.
Cũng theo bà Lê Đào An Xuân, thời gian tới, phong trào phụ nữ và công tác hội có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như: Định kiến giới, già hóa dân số, bạo lực gia đình…, đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, DTTS, khuyết tật, người cao tuổi… còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn ở đội ngũ cán bộ hội để hội xứng đáng là chỗ dựa của các tầng lớp phụ nữ.
Mỗi chị em cần phấn đấu, nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh nhà.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ