Trên vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) có nhiều lồng bè nuôi tôm hùm. Thức ăn cho tôm được đựng trong túi ni lông, sau đó người nuôi vô tư thả xuống vịnh gây ô nhiễm môi trường.
Ngành chức năng khuyến cáo, người nuôi tôm hùm, hộ kinh doanh nuôi trồng thủy sản cần có ý thức chung tay bảo vệ môi trường, nói không với túi ni lông để không làm ô nhiễm nguồn nước.
Túi ni lông tấn công bờ bãi
Tại Vũng Chào, thuộc xã Xuân Phương, khi thủy triều rút, khu vực gần bờ lộ ra đám rác túi ni lông trộn với bùn đen ngập ngụa, bốc mùi hôi. Còn khi thủy triều lên, vô số túi ni lông trôi nổi trải dài hàng chục mét. Vòng qua phía bên kia Vũng Lắm thuộc phường Xuân Đài, rác ni lông tấp vô bãi cát, vun thành đống cao.
Ông Thái Văn Tâm, nhà ở gần Vũng Lắm nói: Tôi làm nghề đánh bắt cá trên vịnh Xuân Đài, khi thả lưới túi ni lông mắc vào, những lúc gặp sóng to đánh mạnh cuốn theo túi ni lông muốn rách lưới. Có khi thu lưới không thấy cá mà toàn túi ni lông đeo bám dày đặc tay lưới.
Hỏi từ đâu túi ni lông xuất hiện nhiều trên vịnh Xuân Đài, ông Tâm cho rằng, từ rác thải nuôi tôm hùm. “Thức ăn của tôm hùm nuôi trong vịnh là thức ăn tươi sống (cá tạp, cua, ốc), được xe đông lạnh chở đến bỏ mối quanh vịnh. Các chủ lồng bè đều sắm ghe, thúng để vận chuyển thức ăn từ bờ ra bè nuôi. Mỗi gói thức ăn được đựng trong túi ni lông với trọng lượng 10kg. Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm, mỗi ngày cho ăn 10kg mồi; nuôi 10 lồng cho ăn 1 tạ mồi. Mỗi bè nuôi tôm hùm thường có 30 lồng nên hằng ngày người nuôi phải mua 3 tạ mồi cho tôm ăn và sử dụng 30 túi ni lông. Sau khi cho tôm ăn xong họ không gom lại mang vào bờ để xử lý theo đúng quy định mà tiện tay vứt xuống nước”, ông Tâm giải thích.
Ở khu vực bãi cát Gành Đỏ, túi ni lông cũng phủ kín bãi cát. Ông Bùi Văn Minh, một ngư dân ở đây cho hay: Chỗ bãi cát kia đầy rẫy túi ni lông, moi xuống gang tay vẫn thấy túi ni lông vùi sâu phía dưới. Vào mùa biển động, túi ni lông trôi dạt lên bờ, hết lớp nọ đến lớp kia bị lấp dưới cát.
Theo các chuyên gia về môi trường, túi ni lông là vật liệu rất khó phân hủy, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Trong môi trường tự nhiên, phải mất từ 500-1.000 năm túi ni lông mới phân hủy, còn nếu không trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng, nó sẽ không thể phân hủy. Túi ni lông càng khó phân hủy khi bị vùi trong lớp đất cát, các hóa chất sẽ hòa vào làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước và nguồn dinh dưỡng. Nếu túi ni lông bị vứt xuống các ao hồ, sông ngòi dễ làm tắc cống rãnh, kênh mương và gây ứ đọng dẫn đến việc sản sinh nhiều vi khuẩn gây ra bệnh tật cho con người.
Chung tay bảo vệ môi trường
Thời gian qua, các xã, phường ven vịnh Xuân Đài đã thành lập các tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Những tổ cộng đồng này có kế hoạch vận động người nuôi tôm hùm và người kinh doanh nuôi trồng thủy sản tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện việc thu gom và xử lý rác ni lông đúng nơi quy định. Tuy nhiên, vòng quanh vịnh Xuân Đài từ xã Xuân Phương qua phường Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài…, vẫn chưa có điểm thu gom, chứa bao bì, túi ni lông và định kỳ xử lý tiêu hủy theo quy định.
Trước đây, vịnh Xuân Đài đã xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt. Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) lấy mẫu nước xét nghiệm cho kết quả nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Trung ở phường Xuân Yên cho hay: Mấy năm trước, tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết hàng loạt, nhiều người thiệt hại tiền tỉ. Nguyên nhân do nguồn nước trong vịnh bị ô nhiễm dẫn đến tôm nuôi bị dịch bệnh. Vừa rồi tôi lặn chỗ gành đá bắt ốc, thấy rác ni lông ở đó dày đặc .
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hằng năm, người nuôi tôm hùm và hộ kinh doanh nuôi trồng thủy sản đều ký cam kết với xã, phường không sử dụng chất cấm, không xả thải ni lông làm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, từ việc cam kết đến thực hiện là một khoảng cách lớn. Vì thiếu kiểm tra, xử lý vi phạm nên tình trạng tiện tay vứt túi ni lông xuống vịnh, xuống biển vẫn thường xảy ra.
Theo Sở NN&PTNT, vùng nuôi tôm ở TX Sông Cầu hiện có 2.018 bè nổi với gần 90.000 ô/lồng nuôi trồng thủy sản. Riêng khu vực vịnh Xuân Đài gần 50.000 ô/lồng. Với số ô/lồng nuôi nhiều như hiện tại, hằng ngày, người nuôi trút xuống vịnh trên 1.000 tấn thức ăn, kéo theo hàng ngàn túi ni lông. Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi giảm tối đa số lượng bao bì ni lông đựng thức ăn cho tôm hùm, tiến tới nói không với túi ni lông để không làm ô nhiễm nguồn nước.
Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp, theo thời gian sẽ phân rã thành những mảnh nhựa với rất nhiều kích cỡ khác nhau, như micro, nano, pico... Những mảnh vi nhựa này sẽ lẫn vào đất, môi trường và không khí... khiến cho các loài sinh vật biển, chính con người ăn phải, đưa chúng vào cơ thể đe dọa đến sức khỏe. |
MẠNH LÊ TRÂM