Thời gian qua, chương trình hỗ trợ sinh kế cho hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do Hội Nông dân tỉnh triển khai đã phát huy hiệu quả thiết thực. Thông qua việc hỗ trợ, nhiều hộ dân đã có “cần câu” để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ thiết thực, kịp thời
Để nông dân yên tâm sử dụng phân bón, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ năm 2018, Hội Nông dân tỉnh đã đứng ra ký kết, hợp đồng với Công ty CP Phát triển nông nghiệp Quảng Nam thực hiện chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm.
Hằng năm, vào đầu vụ sản xuất, nông dân có nhu cầu sẽ được mua phân bón chất lượng, giá thấp so với giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg tùy từng loại mà không phải trả tiền ngay. Với cách hỗ trợ này, đến nay, hội đã cung ứng hơn 10.000 tấn phân bón các loại với số tiền trả chậm gần 12 tỉ đồng.
Được hỗ trợ mua phân bón trả chậm, chị Hờ Vương ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Nhiều năm trước, cứ đến vụ sản xuất, gia đình tôi lại lo lắng về khoản tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, những vụ mùa gần đây, nhờ chương trình cung ứng phân bón trả chậm của hội, gia đình tôi không phải vay tiền như trước.
Cứ đến mùa vụ, tôi đăng ký số lượng, chủng loại phân bón với chi hội nông dân ở thôn, gần đến ngày gieo sạ, xe chở phân bón về tận nhà văn hóa thôn cho bà con. Sau khi thu hoạch mới trả tiền, nên gia đình tôi đỡ lo về khoản này”.
Tương tự, để hỗ trợ sinh kế cho hội viên nông dân nghèo tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), hội đã phối hợp với các chi, tổ hội thôn, buôn trên địa bàn xã họp xét và tiến hành bàn giao 5 cặp heo giống đến tận nhà 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc, sau hơn 1 năm nuôi, đến nay mỗi gia đình phát triển đàn heo hơn chục con, cuộc sống từng bước cải thiện và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân cho biết: Đây là một trong những mô hình hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên khó khăn trên địa bàn huyện. Ngoài tặng heo, bò và cây giống, hội còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ hội; đồng thời phối hợp Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho 5.307 hộ vay với tổng vốn vay hơn 357 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Vươn lên phát triển kinh tế
Theo Hội Nông dân tỉnh, việc triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo trong tỉnh mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp giúp đỡ nhiều hội viên nông dân trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cung ứng hàng ngàn tấn phân bón, cây trồng, con giống và vật tư, máy móc nông nghiệp đến tận tay các hộ dân… Hiện nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Điển hình như gia đình bà Hoàng Thị Xíu ở thôn Hà Roi, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Năm 2019, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã, được hội hỗ trợ nuôi 5 con heo đen (4 con nái và 1 con đực) để phát triển đàn, đến nay gia đình bà vươn lên thoát nghèo.
Bà Xíu chia sẻ: “Chăn nuôi heo đen có nhiều ưu điểm, đầu ra ổn định, thức ăn dễ kiếm, ít tốn công chăm sóc, đặc biệt con giống có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Heo nái đẻ ổn định, bình quân mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 heo con, nuôi 4 tháng đạt 20-30kg được xuất chuồng, giá heo hơi từ 60.000-100.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 10 triệu đồng/năm”.
Còn gia đình ông Lê Văn Nho và nhiều hộ dân khác ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) nhiều năm trước đây trồng lúa ở vùng trũng kém hiệu quả, được hội hỗ trợ giống, kỹ thuật để chuyển đổi sang trồng sen. Sau nhiều năm phát triển sản xuất, hiện các hộ trồng sen không chỉ cho thu nhập khá, mà còn phát triển thêm các loại hình dịch vụ, du lịch xung quanh khu vực trồng sen.
“Ruộng sen rực rỡ giữa một vùng đồng quê bát ngát, tôi thấy đẹp nên nghĩ đến việc đầu tư cầu khỉ, chòi canh, trang trí để ruộng sen thêm đẹp. Mỗi khách vào tôi chỉ thu 10.000 đồng/lượt; đồng thời đầu tư thêm trang phục truyền thống, áo dài, áo bà ba cho khách có nhu cầu thuê để chụp hình..., qua đó góp phần tăng thu nhập cho gia đình”, ông Nho phấn khởi nói.
Với quan điểm “trao cần câu” để hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, các cấp hội với các ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, giúp hội viên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Kết quả, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội đã giúp cho 6.254 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 3.216 hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
NGỌC HÂN